CHÍNH PHỦ
_________
Số: 151/2007/NĐ-CP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc lập - Tự do -
Hạnh phúc
____________________________________
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2007
|
NGHỊ ĐỊNH
Về tổ chức và hoạt động của
tổ hợp tác
______________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Dân sự năm
2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
và đối tượng áp dụng
Nghị định này quy định về tổ
chức và hoạt động của tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp
tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng
góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng
lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Điều 2.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Tổ hợp tác được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc sau:
1. Tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi;
2. Biểu quyết theo đa số;
3. Tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu
trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên.
Điều 3. Tên, biểu tượng của
tổ hợp tác
Tổ hợp tác có quyền chọn tên và biểu tượng
của mình phù hợp với quy định của pháp luật và không trùng lắp với tên,
biểu tượng của tổ hợp tác khác trong phạm vi xã, phường, thị trấn.
Điều 4. Thành lập tổ hợp tác
1. Việc thành lập tổ hợp tác
do các cá nhân có nhu cầu đứng ra tổ chức.
2. Khi thành lập, tổ hợp tác
thảo luận và thống nhất các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Mục đích và kế hoạch hoạt
động của tổ hợp tác;
b) Nội dung hợp đồng hợp
tác;
c) Tên, biểu tượng (nếu có)
của tổ hợp tác;
d) Danh sách tổ viên;
đ) Bầu tổ trưởng, bầu ban
điều hành (nếu thấy cần thiết);
e) Các vấn đề liên quan khác.
Điều 5. Hợp đồng hợp tác
1. Hợp đồng
hợp tác là thỏa thuận bằng văn bản giữa các tổ viên, có tên gọi là hợp
đồng hợp tác hoặc tên gọi khác nhưng nội dung phải phù hợp với quy định
tại khoản 2 Điều này.
2. Nội dung
chủ yếu của hợp đồng hợp tác
a) Mục
đích, thời hạn hợp đồng hợp tác;
b) Họ, tên,
nơi cư trú, chữ ký của tổ trưởng và các tổ viên;
c) Tài sản
đóng góp (nếu có); phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ
viên;
d) Quyền,
nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ viên, của tổ trưởng, ban điều hành
(nếu có);
đ) Điều
kiện kết nạp tổ viên mới và tổ viên ra khỏi tổ hợp tác;
e) Điều
kiện chấm dứt tổ hợp tác;
g) Các thoả
thuận khác.
3. Nội dung hợp đồng hợp
tác có thể được sửa đổi, bổ sung khi được sự đồng ý của đa số tổ viên.
Điều 6. Chứng thực Hợp
đồng hợp tác
1. Ủy ban nhân dân cấp xã
chứng thực hoặc chứng thực lại (ký xác nhận, đóng dấu) vào hợp đồng hợp
tác hoặc hợp đồng hợp tác sửa đổi, bổ sung và ghi vào sổ theo dõi trong
thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hợp đồng hợp
tác của tổ có nội dung phù hợp với quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Trường hợp Ủy ban nhân
dân cấp xã không chứng thực hợp đồng hợp tác thì phải trả lời bằng văn
bản và nêu rõ lý do từ chối.
2. Trường hợp tổ hợp tác
tổ chức và hoạt động với quy mô liên xã thì tổ có quyền lựa chọn nơi
chứng thực hợp đồng hợp tác thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của tổ
hợp tác.
Chương II
TỔ VIÊN
Điều 7. Điều kiện, thủ tục
kết nạp tổ viên tổ hợp tác
1. Điều kiện kết nạp tổ
viên:
a) Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở
lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tự nguyện tham gia và tán thành
các nội dung của hợp đồng hợp tác đều có thể trở thành tổ viên tổ hợp
tác. Một cá nhân có thể là thành viên của nhiều tổ hợp tác;
b) Hợp đồng hợp tác có
thể quy định thêm về các tiêu chuẩn khác đối với tổ viên tổ hợp tác.
2. Thủ tục kết nạp tổ
viên mới:
a) Cá nhân có đơn gửi tổ
trưởng, trong đó nêu rõ nguyện vọng tham gia và cam kết thực hiện hợp
đồng hợp tác của tổ;
b) Hội nghị tổ viên xem xét,
biểu quyết và công nhận tổ viên mới khi được đa số tổ viên đồng ý, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 8. Quyền của tổ
viên
Tổ viên có
các quyền sau đây:
1. Tổ viên
có quyền ngang nhau trong việc tham gia quyết định các công việc của tổ
hợp tác, không phụ thuộc vào mức độ đóng góp tài sản của mỗi tổ viên;
2. Được
hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thoả
thuận;
3. Thực
hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ hợp tác;
4. Ra khỏi
tổ hợp tác theo các điều kiện đã thoả thuận;
5. Các
quyền khác theo thoả thuận trong hợp đồng hợp tác không trái với quy
định của pháp luật.
Điều 9.
Nghĩa vụ của tổ viên
Tổ viên có các nghĩa vụ
sau đây:
1. Thực hiện hợp tác theo
nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giúp đỡ lẫn nhau và bảo đảm lợi ích
chung của tổ hợp tác;
2. Bồi thường thiệt hại
cho tổ hợp tác do lỗi của mình gây ra;
3. Thực
hiện các nghĩa vụ khác theo thoả thuận trong hợp đồng hợp tác nhưng
không trái với quy định của pháp luật.
Điều 10.
Quyền và nghĩa vụ của tổ viên khi ra khỏi tổ hợp tác
1. Tổ viên
khi ra khỏi tổ hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản mà mình đã đóng
góp vào tổ hợp tác, được chia phần tài sản của mình trong khối tài sản
chung của tổ hợp tác, trừ tài sản không chia đã được thoả thuận của đa
số tổ viên. Nếu việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến
việc tiếp tục hoạt động của tổ thì tài sản được trị giá bằng tiền để
chia;
2. Khi ra
khỏi tổ hợp tác, tổ viên phải thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với tổ
hợp tác theo thỏa thuận.
Chương III
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ HỢP TÁC
Điều 11.
Họp tổ hợp tác
1. Tổ hợp tác tự quyết
định việc họp toàn thể tổ viên một năm một lần hay nhiều lần.
2. Tổ trưởng tổ hợp tác
triệu tập họp tổ bất thường khi:
a) Có phát sinh vướng mắc
cần thiết phải họp tổ để giải quyết;
b) Có yêu cầu của đa số
tổ viên hoặc đa số thành viên ban điều hành (nếu có).
Điều 12.
Quyền của tổ hợp tác
1. Tổ hợp tác
được lựa chọn ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm,
hoạt động không giới hạn theo phạm vi hành chính địa phương nơi tổ hợp
tác chứng thực hợp đồng hợp tác. Tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực
ngành nghề đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề hoặc Giấy chứng nhận đủ
điều kiện kinh doanh thì phải tuân thủ các quy định về giấy phép hành
nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp
luật.
2. Trực tiếp
xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân
trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài để mở rộng sản xuất, kinh
doanh theo quy định của pháp luật.
3. Được hưởng
các chính sách hỗ trợ và tham gia xây dựng, thực hiện các kế hoạch,
chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; kế hoạch, chương
trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và xoá đói, giảm
nghèo ở địa phương.
4. Được mở tài
khoản riêng tại ngân hàng theo quy định của pháp luật và theo cơ chế
người đại diện được ghi trong hợp đồng hợp tác.
5. Được ký kết
các hợp đồng dân sự.
6. Quyết định việc phân phối
hoa lợi, lợi tức và xử lý các khoản lỗ của tổ hợp tác.
7. Các quyền khác được ghi
trong hợp đồng hợp tác nhưng không trái với các quy định của pháp luật.
Điều 13.
Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác
1. Tổ hợp tác
phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do
người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác.
2. Tổ hợp tác
chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của tổ; nếu tài sản không đủ
để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm
liên đới tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.
3. Thực hiện
các thoả thuận đã cam kết với các tổ viên, tổ chức và cá nhân khác.
4. Thực hiện
các trách nhiệm đối với người lao động do tổ hợp tác thuê theo quy định
của pháp luật về lao động.
5. Các trách
nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Giải quyết
tranh chấp
1. Tranh chấp giữa các tổ
viên tổ hợp tác trong phạm vi của hợp đồng hợp tác được tiến hành hoà
giải tại tổ hợp tác; trường hợp không hoà giải được thì tranh chấp đó
được giải quyết thông qua cộng đồng thôn, bản, tổ hòa giải cấp xã hoặc
khởi kiện ra toà án.
2. Tranh chấp giữa tổ hợp
tác với các cá nhân, tổ chức khác thì tiến hành giải quyết theo quy định
của pháp luật.
Điều 15.
Chấm dứt tổ hợp tác
1. Tổ hợp tác chấm dứt trong các trường hợp
sau đây:
a) Hết thời hạn ghi trong
hợp đồng hợp tác;
b) Mục đích của việc hợp tác
đã đạt được;
c) Các tổ viên thoả thuận
chấm dứt tổ hợp tác;
d) Tổ hợp tác chấm dứt theo
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp do
pháp luật quy định.
2. Trong thời hạn 7 ngày làm
việc, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, tổ hợp tác phải thông báo bằng văn
bản về chấm dứt hoạt động của mình cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã
chứng thực hợp đồng hợp tác.
3. Khi chấm dứt hoạt động,
tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ chung của tổ; nếu tài sản chung
của tổ không đủ trang trải các khoản nợ thì lấy tài sản riêng của các tổ
viên để thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này.
Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung của tổ
vẫn còn thì tài sản còn lại được chia cho các tổ viên theo tỷ lệ tương
ứng với giá trị tài sản góp vào tổ của mỗi tổ viên, trừ trường hợp có
thoả thuận khác.
Chương IV
ĐIỀU HÀNH TỔ HỢP TÁC
Điều 16. Điều hành tổ hợp
tác
1. Người điều hành công việc
chung của tổ hợp tác là tổ trưởng tổ hợp tác. Các tổ viên tổ hợp tác
thoả thuận về tiêu chuẩn, cách thức bầu tổ trưởng tổ hợp tác.
2. Trường hợp
cần thiết, tổ hợp tác có thể bầu ban điều hành. Tổ trưởng là trưởng ban
điều hành. Số lượng, tiêu chuẩn và cách thức bầu ban điều hành thực hiện
theo thoả thuận của các tổ viên tổ hợp tác.
3. Việc thay đổi tổ trưởng phải được ghi
nhận bằng biên bản họp tổ và phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân
dân cấp xã đã chứng thực hợp đồng hợp tác.
Điều 17. Trách nhiệm của tổ
trưởng và ban điều hành tổ hợp tác
1. Tổ trưởng tổ hợp tác có
trách nhiệm sau:
a) Là người đại diện cho tổ
hợp tác xác lập các giao dịch dân sự vì mục đích hoạt động của tổ hợp
tác;
b) Tổ chức thực hiện và điều
hành các hoạt động của tổ hợp tác.
2. Thành viên ban điều hành
có trách nhiệm sau:
a) Giúp việc cho tổ trưởng
điều hành các hoạt động của tổ hợp tác;
b) Thực hiện những công việc
được tổ trưởng phân công.
Điều 18. Đại diện của tổ hợp
tác
1. Đại diện
của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự là tổ trưởng tổ hợp tác. Tổ
trưởng tổ hợp tác có thể uỷ quyền cho thành viên ban điều hành hoặc tổ
viên thực hiện một số công việc nhất định của tổ theo quy định của pháp
luật về uỷ quyền.
2. Giao
dịch dân sự do người đại diện của tổ hợp tác xác lập, thực hiện vì mục
đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên làm phát
sinh quyền, nghĩa vụ của tổ hợp tác.
3. Các giao
dịch dân sự do người không có quyền đại diện của tổ hợp tác xác lập thì
hậu quả của giao dịch này thực hiện theo quy định tại Điều 145 Bộ luật
Dân sự.
4. Các giao
dịch dân sự do người đại diện của tổ hợp tác xác lập, thực hiện vượt quá
phạm vi đại diện thì hậu quả của giao dịch này thực hiện theo quy định
tại Điều 146 Bộ luật Dân sự.
Chương
V
TÀI SẢN,
TÀI CHÍNH CỦA TỔ HỢP TÁC
Điều 19. Tài sản của
tổ hợp tác
1. Tài sản của tổ hợp tác
hình thành từ các nguồn:
a) Tài sản đóng góp của tổ
viên tổ hợp tác bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản;
b) Phần được trích từ hoa
lợi, lợi tức sau thuế để tăng vốn;
c) Các tài sản cùng tạo lập
và được tặng, cho chung;
d) Tài sản khác theo quy
định của pháp luật.
Tổ hợp tác cần ghi chép theo
dõi riêng những tài sản bằng hiện vật không quy thành giá trị, trong đó
phân rõ thành 2 loại: loại tài sản do từng tổ viên góp và sẽ trả lại khi
tổ viên đó ra khỏi tổ hợp tác và loại tài sản không chia cho các tổ viên
khi tổ viên ra khỏi tổ hợp tác.
2. Việc quản
lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác được thực hiện theo phương thức
thoả thuận. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác
phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác phải
được đa số tổ viên đồng ý.
3. Tài sản của tổ hợp tác
được kiểm kê, đánh giá định kỳ và ghi vào biên bản kiểm kê hoặc sổ sách
ghi chép của tổ theo thỏa thuận.
Điều 20.
Công tác tài chính, kế toán của tổ hợp tác
Công tác tài chính của tổ hợp tác phải bảo
đảm tính công khai, minh bạch để tổ viên biết, theo dõi và kiểm tra;
hình thức và nội dung báo cáo tài chính do các tổ viên bàn bạc, quyết
định. Những tổ hợp tác có tài sản chung, có hoạt động tài chính chung
cần có sổ sách kế toán ghi chép về tài sản, vốn và hoạt động kinh doanh
của tổ hợp tác theo hướng dẫn của cơ quan tài chính.
Điều 21. Phân phối hoa
lợi, lợi tức và xử lý lỗ
1. Hoa lợi, lợi tức của
tổ hợp tác được phân chia cho tổ viên và để tạo tích lũy chung của tổ
theo thoả thuận.
Hợp đồng hợp tác quy định
cụ thể việc phân phối hoa lợi, lợi tức từ các hoạt động của tổ sau khi
thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước (nếu có).
2. Trong trường hợp bị
lỗ, các tổ viên thoả thuận đóng góp để bù lỗ nếu tích lũy chung của tổ
các năm trước đó không đủ bù đắp.
Hợp đồng hợp tác quy định
cụ thể việc xử lý các trường hợp bị lỗ và rủi
ro.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Hiệu lực thi
hành
Nghị định này có hiệu lực
thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 23. Trách nhiệm
thi hành
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
-
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
-
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
-
HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
-
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
-
Văn phòng Chủ tịch nước;
-
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
-
Văn phòng Quốc hội;
-
Toà án nhân dân tối cao;
-
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Kiểm toán Nhà nước;
-
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
-
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
-
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
-
VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ,
Người phát ngôn của
Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
-
Lưu: Văn thư, NN (5b). Hoà 315 bản. |
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ
TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn
Tấn Dũng |