BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG - B
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
- BỘ CÔNG AN
_______________
Số:
16/2009/TTLT-BTTTT-BCA |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________________________________
Hà Nội, ngày
12 tháng 05 năm 2009 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Về phối hợp phòng, chống in lậu
- Căn cứ Luật Xuất bản
số 30/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều
của Luật Xuất bản số 12/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 và các văn bản hướng
dẫn thi hành;
- Căn cứ Nghị định số
105/2007/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản
phẩm không phải là xuất bản phẩm;
- Căn cứ Nghị định số
08/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 2 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an
ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
- Căn cứ Nghị định số
187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Căn cứ Nghị định số
136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an,
Liên Bộ Thông tin và
Truyền thông, Bộ Công an thống nhất quy định các mối quan hệ phối hợp trong việc
phòng, chống in lậu; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động in như
sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
a) Thông tư này quy
định việc tổ chức thực hiện và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt
động in; phòng, chống in lậu.
b) Các cơ quan, đơn vị
thuộc ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Công an và các tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động in thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này.
2. Nhiệm vụ phối
hợp
Căn cứ vào chức năng
nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, hai ngành Thông tin và Truyền thông và
Công an phối hợp tổ chức tuyên truyền, học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật,
trao đổi thông tin; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động in,
đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in. Việc
phối hợp được thực hiện thông qua đoàn liên ngành thành lập theo Thông tư này.
II. TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI VÀ NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Phối hợp tổ chức
tuyên truyền, học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
a) Bộ Thông tin và
Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan
thông tin đại chúng; Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo Công an tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tổ chức tuyên
truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động in bằng nhiều hình thức
đến mọi đối tượng biết để thực hiện, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, phát
hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật về hoạt động in, tố giác với cơ quan chức
năng.
b) Hàng năm mở các lớp
tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về in và công tác phòng, chống in lậu
cho cán bộ các cấp có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in.
2. Trách nhiệm phối
hợp cụ thể trong công tác phòng, chống in lậu
a) Trách nhiệm của
ngành Thông tin và Truyền thông
- Khi phát hiện những
vi phạm trong hoạt động in phải chủ động ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền. Đối
với những vi phạm có liên quan đến an ninh trật tự phải thông báo ngay cho cơ
quan Công an.
- Khi tiếp nhận những
thông tin, tài liệu do cơ quan Công an cung cấp cần khẩn trương xác minh, xử lý
nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in.
- Chủ động hoặc thông
qua đoàn liên ngành để phối hợp với cơ quan Công an tiến hành thanh tra, kiểm
tra định kỳ hoặc đột xuất các hoạt động in, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm
những vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Trách nhiệm của ngành Công an
- Cơ quan Công an có
thẩm quyền quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động in chủ động thu
thập các thông tin, tài liệu, tổ chức xác minh, điều tra xử lý các hành vi vi
phạm theo quy định của pháp luật; trao đổi và cung cấp cho cơ quan quản lý nhà
nước về Thông tin và Truyền thông các hành vi vi phạm để phối hợp xử lý.
- Phối hợp với cơ quan
quản lý nhà nước về hoạt động in tổ chức các đoàn liên ngành để kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất đối với tổ chức, cá nhân hoạt động in.
c) Các cơ quan chức
năng của ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Công an chủ động phối hợp với
các ngành có liên quan: quản lý thị trường, thuế, hải quan, cơ quan cấp giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh và chính quyền địa phương để làm tốt công tác
phòng, chống in lậu.
3. Phối hợp liên
ngành giữa các cấp ở trung ương và địa phương trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm
a) Thanh tra Bộ Thông
tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Cục Xuất bản, Cục Bảo vệ An ninh Nội bộ
và Văn hóa - Tư tưởng, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức
lực lượng liên ngành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý các vi
phạm pháp luật trong hoạt động in trên phạm vi toàn quốc.
b) Sở Thông
tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Công an cấp tỉnh (Phòng Bảo vệ An ninh
Nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã
hội) tổ chức lực lượng liên ngành để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp
luật trong hoạt động in tại địa phương;
c) Thông báo rộng rãi
trên các phương tiện thông tin đại chúng các
tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động in.
4. Trách nhiệm của
tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in
a) Tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động in phải có trách nhiệm phối hợp và cộng tác với các cơ quan
quản lý nhà nước về hoạt động in để chủ động phòng, chống in lậu.
b) Chấp hành đầy đủ
các quy định của pháp luật trong hoạt động in:
- Cơ sở in chỉ được
phép hoạt động khi có đủ các giấy tờ hợp pháp: giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh về in, giấy phép hoạt động ngành in (đối với cơ sở in phải cấp phép), văn
bản xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ quan Công an có thẩm quyền.
- Người đến
đặt in phải xuất trình giấy tờ hợp pháp: quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất
bản đối với các sản phẩm phải có giấy phép xuất bản; văn bản chấp thuận của cơ
quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với sản phẩm phải có văn bản thỏa thuận
theo quy định của pháp luật.
- Ký hợp đồng in đúng nội dung
ghi trong quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản. Đối với sản phẩm in không
phải có quyết định xuất bản, giấy phép xuất bản hoặc văn bản thỏa thuận thì hợp
đồng in phải thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm đó kèm theo giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh theo ngành hàng; riêng sản phẩm thuộc danh mục bắt buộc đăng
ký chất lượng hoặc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hoặc giấy cho
phép sản xuất của cơ quan có thẩm quyền về khoa học công nghệ, hoá dược, thuốc
chữa bệnh và thực phẩm phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ đó.
- Đăng ký
đầy đủ các thông tin của sản phẩm in vào sổ quản lý của cơ sở in phục vụ công
tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
c) Khi phát hiện nội
dung sản phẩm đặt in, nhân bản vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản, người đứng đầu cơ
sở in
phải kịp thời
báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản và cơ quan Công an.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau
45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho Thanh tra Bộ, Cục Xuất bản; Bộ Công an
giao cho Cục Bảo vệ An ninh Nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Cục Cảnh sát quản lý
hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm tham mưu và
giúp Bộ trưởng xây dựng kế hoạch phòng,
chống in lậu và chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông, Công an cấp tỉnh tổ
chức thực hiện.
2. Thành lập đoàn liên ngành phòng, chống in lậu tại trung ương: Bộ Thông tin và
Truyền thông cử cán bộ cơ quan Thanh tra Bộ, Cục Xuất bản; Bộ Công an cử cán bộ
Cục Bảo vệ An ninh Nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, Cục Cảnh sát quản lý hành chính
về trật tự xã hội tham gia đoàn liên ngành. Quyết định thành lập, tổ chức, kinh
phí hoạt động của đoàn liên ngành do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
quyết định. Bộ phận thường trực đoàn liên ngành đặt tại Bộ Thông tin và Truyền
thông.
3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu trình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập đội liên ngành
phòng, chống in lậu tại địa phương gồm cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông, cán
bộ công an cấp tỉnh và cơ quan chức năng có liên quan. Kinh phí hoạt động của
đội liên ngành trích trong ngân sách của tỉnh cấp cho Sở Thông tin và Truyền
thông.
4. Lực lượng liên ngành từ trung ương đến địa phương phải phối
hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt
động in. Đội liên ngành cấp tỉnh, 6 tháng báo cáo kết quả về Bộ Thông tin và
Truyền thông (bộ phận thường trực liên ngành). Hàng năm, lực lượng liên ngành
các cấp tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác phối hợp thanh tra, kiểm
tra, xử lý các vi phạm và đề ra kế hoạch kiểm tra liên ngành năm tiếp theo, đề
nghị khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích trong việc phòng, chống in lậu.
5. Trong quá
trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và
tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và
Truyền thông./.
KT. BỘ
TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký )
Thượng
tướng Lê Thế Tiệm |
KT. BỘ
TRƯỞNG
BỘ THÔNG
TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Đỗ Quý
Doãn |
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch
nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các
Ban của Đảng;
- Các Bộ, cơ quan
ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối
cao;
- Cơ quan TW của các
đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW;
- Sở Thông tin và
Truyền thông;
- Công an các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW
- TTĐT, Công báo;
- Bộ TTTT, Bộ Công an;
- Cục kiểm tra VBQPPL
(Bộ Tư pháp)
- Các cơ quan đơn vị
thuộc Bộ TTTT và Bộ Công an
- Lưu VT Bộ TTTT, VT
CXB; A25, C13 Bộ Công an