ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘ
ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
_______
Số: 04/CT-UBND |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__________________
Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 2010 |
CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác kiểm tra thực hiện
Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng
kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2010 và những
năm tiếp theo
_______
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố, nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô
thị, khu nhà ở, công trình giao thông và một số công trình khác đang triển khai.
Các phương tiện chuyên chở đá, cát, sỏi và các loại vật liệu xây dựng không đảm
bảo các quy định về che chắn, trọng tải, làm rơi vãi vật liệu và gây ô nhiễm môi
trường các tuyến phố, đường giao thông. Một số điểm kinh doanh vật liệu xây dựng
còn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và cảnh quan
đô thị.
Ngày 22/12/2009, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số
123/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các mặt
hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội
(Kèm theo Phụ lục Quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh các mặt hàng vật
liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Hà Nội), làm căn cứ
pháp lý cho công tác quản lý đối với việc kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây
dựng, kinh doanh có điều kiện, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
quản lý đô thị trên địa bàn toàn thành phố.
Để thực hiện Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND
Thành phố; khắc phục tình trạng trên, đảm bảo các vấn đề về an ninh, trật tự, an
toàn, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt trong năm
2010, tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và những năm tiếp
theo, UBND thành phố Hà Nội chỉ thị:
1. Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã:
- Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009
của UBND Thành phố ban hành Quy định điều kiện đảm bảo kinh doanh đối với các
mặt hàng vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện trên địa bàn thành phố Hà
Nội.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy định cho cán bộ
quản lý, nhân dân, các tổ chức, các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, các
doanh nghiệp có dự án đang triển khai trên địa bàn;
- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Quy định; Chỉ đạo Thanh
tra xây dựng quận, huyện, thị xã thực hiện quản lý theo chức năng nhiệm vụ được
giao, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và địa bàn quản
lý.
2. Sở Xây dựng:
- Lập, tổ chức quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng
và công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội
theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Chủ trì, hướng dẫn các Quận, Huyện, Thị xã kiểm tra việc thực hiện quy
hoạch mạng lưới kinh doanh vật liệu xây dựng.
- Chỉ cấp giấy phép xây dựng cho các công trình khi có cam kết đủ điều
kiện đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định của UBND thành phố Hà Nội.
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra xây dựng trực thuộc Sở:
- Tăng cường công tác kiểm tra trên toàn địa bàn; Phát hiện, đôn đốc,
nhắc nhở, giám sát chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm
Quy định.
Phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, Công an, Cảnh sát giao
thông, Thanh tra môi trường thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm của các loại
phương tiện gây ô nhiễm môi trường từ các điểm khai thác, kinh doanh vật liệu
xây dựng, để vật liệu, đất, đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây
cản trở giao thông, gây bụi bẩn đường phố.
Xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP
ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây
dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây
dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Cấp phép, kiểm tra hoạt động của các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây
dựng theo chức năng, nhiệm vụ được UBND Thành phố giao.
- Chủ trì cùng các ngành liên quan, kiểm tra, xử lý vi phạm về gây ô
nhiễm môi trường của các hoạt động xây dựng, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật
liệu xây dựng.
- Định kỳ đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.
4. Sở Giao thông vận tải:
- Tổ chức hướng dẫn các chủ phương tiện tổ chức sửa chữa, cải tạo phương
tiện đảm bảo đủ tiêu chuẩn, không gây rơi vãi vật liệu. Phối hợp với các đơn vị
có chức năng tổ chức lực lượng quản lý kịp thời, thu dọn các điểm phế thải, rác
thải phát sinh trên đường phố, không để tồn đọng gây mất an toàn giao thông, ô
nhiễm môi trường.
- Chỉ đạo Thanh tra giao thông thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý đối
với các hành vi vi phạm của các phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm môi trường từ
các điểm khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng, để vật liệu, đất, đá, phương
tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, gây bụi bẩn đường;
phối hợp với Thanh tra xây dựng, Công an, Quản lý thị trường, các cơ quan chức
năng thuộc Quận, Huyện, Thị xã trong việc kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm
trong khai thác, kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng.
- Phối hợp cùng với các Sở, Ngành, Quận, Huyện, Thị xã kiểm tra việc
thực hiện Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND, kiểm tra đối với các công trình xây
dựng, các điểm khai thác, buôn bán vật liệu xây dựng, các phương tiện vận chuyển
vật liệu rời.
5. Sở Công thương:
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xử lý các vi phạm kinh
doanh, khai thác vật liệu xây dựng không có chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc
giấy phép hoạt động, điểm tập kết vật liệu rời không phù hợp với quy hoạch được
duyệt; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra xử lý các vi
phạm gây ô nhiễm môi trường hoặc không thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm
bảo phương tiện vận chuyển khi ra vào điểm khai thác, kinh doanh vật liệu xây
dựng tuân theo đúng quy định tại Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009
của UBND Thành phố.
6. Công an Thành phố:
Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát trật tự phối hợp
với Thanh tra giao thông, Thanh tra xây dựng, Quản lý thị trường, các Quận,
Huyện, Thị xã kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm.
7. Cơ quan đăng ký kinh doanh:
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã khi xem
xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh
cá thể kinh doanh vật liệu xây dựng rời dễ rơi vãi, bụi bẩn, ô nhiễm môi trường
(cát, đá, sỏi, vôi, xi măng rời, bê tông tươi,…) phải căn cứ theo quy hoạch mạng
lưới kinh doanh vật liệu xây dựng - Phụ lục tại Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND
ngày 22/12/2009 và các quy định có liên quan khác của UBND Thành phố.
8. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các tổ chức, cá nhân hiểu,
thực hiện Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009 của UBND Thành phố.
- Có kế hoạch phối hợp trong công tác kiểm tra liên ngành việc thực hiện
Quyết định số 123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009.
9. Sở Tài chính:
Xây dựng cơ chế tài chính về việc phân bổ kinh phí xử phạt nhằm động
viên các lực lượng tích cực tham gia xử lý vi phạm Quyết định số
123/2009/QĐ-UBND ngày 22/12/2009, trình UBND Thành phố phê duyệt.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức cá
nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất, chế biến, kinh doanh
vật liệu xây dựng, thi công các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà
Nội thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy (để
báo cáo);
- Chủ tịch UBND TP (để báo cáo);
- Thường trực HĐND TP (để báo cáo);
- Các PCT UBND TP;
- Các Sở: XD, QHKT, TNMT, GTVT, TT&TT, CT, TP, CA, TC;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH Hà Nội, Báo: AN Thủ đô, K.tế đô thị;
- CVP, các PVP, TH, XDđ,v;
- Lưu: VT. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Phí Thái Bình |