PHÁP LỆNH
PHÁP LỆNH
KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ
CỦA ỦY BAN
THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 33/2007/PL-UBTVQH11
NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2007
Căn cứ vào
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ
sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá
X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào
Nghị quyết số 72/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ
họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007;
Pháp lệnh
này quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc
tế.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Pháp lệnh này
quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân
danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước ở trung
ương); Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(sau đây gọi chung là cơ quan cấp tỉnh); cơ quan trung ương của tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã
hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan trung ương của tổ chức).
Điều 2. Nội dung thỏa thuận quốc tế
1. Thỏa thuận
quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan
nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết
nước ngoài, trừ các nội dung sau đây:
a) Hòa bình,
an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
b) Quyền và
nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;
c) Tham gia
tổ chức quốc tế liên chính phủ;
d) Hỗ trợ
phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;
đ) Các vấn đề
khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật.
2. Thỏa thuận
quốc tế được ký kết với tên gọi là Thỏa thuận, Bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận,
Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác, Kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Pháp
lệnh này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên ký kết
nước ngoài là Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội,
Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan
tương đương; chính quyền địa phương; tổ chức nước ngoài.
2. Ký kết là
những hành vi pháp lý do cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ
quan trung ương của tổ chức thực hiện, bao gồm đàm phán, ký hoặc trao đổi văn
kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan đú với bên ký kết nước
ngoài.
3. Ký là hành
vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để chấp
nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế đối với cơ quan nhà nước ở trung ương,
cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức.
4. Trao đổi
văn kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế là việc trao đổi thư hoặc văn kiện có tên
gọi khác tạo thành thỏa thuận quốc tế hai bên giữa cơ quan nhà nước ở trung
ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức và bên ký kết nước
ngoài.
5. Chấm dứt
hiệu lực của thỏa thuận quốc tế là hành vi pháp lý do cơ quan nhà nước ở trung
ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện để từ bỏ
hiệu lực của thỏa thuận quốc tế giữa cơ quan đú và bên ký kết nước ngoài.
6. Tạm đình
chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế là hành vi pháp lý do cơ quan nhà nước ở trung
ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức thực hiện để tạm
ngừng thực hiện toàn bộ hoặc một phần thỏa thuận quốc tế giữa cơ quan đú và bên
ký kết nước ngoài.
Điều 4. Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
Việc ký kết
và thực hiện thỏa thuận quốc tế phải tuân thủ những nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp
với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam; phù hợp với nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp
vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp
luật quốc tế; phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên quy định về cùng một lĩnh vực;
2. Phù hợp
với Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp
với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ký kết thỏa thuận quốc tế;
3. Bảo đảm
tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết;
4. Chỉ có giá
trị ràng buộc đối với cơ quan đã ký kết thỏa thuận quốc tế; không làm phát sinh
quyền, nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;
5. Cơ quan
nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức có trách
nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan
đó, đồng thời có quyền đòi hỏi bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện nghiêm
chỉnh thỏa thuận quốc tế.
Điều 5. Quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
Nội dung quản
lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế bao gồm:
1. Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
2. Bảo đảm
việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật;
3. Tuyên
truyền, phổ biến pháp luật về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
4. Tổ chức
thống kê, lưu trữ thỏa thuận quốc tế;
5. Giám sát,
kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện
thỏa thuận quốc tế;
6. Giải quyết
khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc
tế.
Điều 6. Cơ quan quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
1. Chính phủ
thống nhất quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
2. Bộ Ngoại
giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và
thực hiện thỏa thuận quốc tế.
3. Cơ quan
nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại
của tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại
giao thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Điều 7. Hình thức chấp nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế
Cơ quan nhà
nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức chấp
nhận sự ràng buộc của thỏa thuận quốc tế bằng một trong những hành vi sau đây:
1. Ký thỏa
thuận quốc tế;
2. Trao đổi
văn kiện tạo thành thỏa thuận quốc tế;
3. Hành vi
khác theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Điều 8. Ngôn ngữ của thỏa thuận quốc tế
1. Thỏa thuận
quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác
giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Văn bản bằng tiếng Việt phải bảo đảm
chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức với văn bản bằng tiếng nước
ngoài của thỏa thuận quốc tế.
2. Trong
trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì bên Việt Nam
có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.
CHƯƠNG II
KÝ KẾT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ
MỤC 1
KÝ KẾT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH QUỐC HỘI, CƠ QUAN
CỦA QUỐC
HỘI, CƠ QUAN GIÚP VIỆC CỦA QUỐC HỘI
Điều 9. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh
Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội
1. Chủ tịch
Quốc hội, người đứng đầu cơ quan của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan giúp việc
của Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ
quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội.
2. Trong
trường hợp có ý kiến khác nhau giữa cơ quan của Quốc hội hoặc cơ quan giúp việc
của Quốc hội và cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều 10 của Pháp
lệnh này thì cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội có trách nhiệm
trình Chủ tịch Quốc hội quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
Điều 10. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ
quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội
1. Trước khi
tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của
Quốc hội có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của ủy ban đối ngoại của Quốc
hội, Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa
thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan
được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn
bản trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Chủ tịch
Quốc hội, người đứng đầu cơ quan của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan giúp việc
của Quốc hội quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký
thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến
quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong
trường hợp có ý kiến khác nhau giữa cơ quan của Quốc hội hoặc cơ quan giúp việc
của Quốc hội và cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này thì trình
tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Cơ quan
của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội có trách nhiệm trình Chủ tịch Quốc
hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Chủ tịch
Quốc hội quyết định bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời
hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan của Quốc hội, cơ
quan giúp việc của Quốc hội trình;
c) Người đứng
đầu cơ quan của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan giúp việc của Quốc hội tiến
hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi có
quyết định đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Quốc hội quy định tại điểm b khoản
này.
5. Sau khi ký
kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội có
trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Quốc hội bằng văn bản, đồng thời gửi ủy ban đối
ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để
thông báo.
MỤC 2
KÝ KẾT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO,
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 11. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa
án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước
Chánh án Tòa
án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán
Nhà nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân dân tối
cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Điều 12. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Tòa án nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước
1. Trước khi
tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của ủy
ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động
hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan
được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn
bản trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm
toán Nhà nước quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký
thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến
quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong
trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao hoặc Kiểm toán Nhà nước và cơ quan được lấy ý kiến quy định tại
khoản 1 Điều này thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Tòa án
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có trách
nhiệm trình ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc
tế;
b) ủy ban
thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế
trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Tòa án nhân dân
tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình;
c) ý kiến của
ủy ban thường vụ Quốc hội quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để Chánh án Tòa
án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán
Nhà nước quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa
thuận quốc tế.
5. Sau khi ký
kết thỏa thuận quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo ủy ban thường vụ Quốc hội bằng văn
bản, đồng thời gửi ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao bản sao thỏa
thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo.
MỤC 3
KÝ KẾT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ,
CƠ QUAN
THUỘC CHÍNH PHỦ
Điều 13. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ,
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định việc
ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ.
Điều 14. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
1. Trước khi
tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên
quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan
được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn
bản trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và
tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi
nhận được văn bản trả lời của cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều
này.
4. Trong
trường hợp có ý kiến khác nhau giữa bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan thuộc
Chính phủ và cơ quan được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này thì trình tự,
thủ tục được tiến hành như sau:
a) Bộ, cơ
quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ
cho ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế;
b) Thủ tướng
Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời
hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ trình;
c) ý kiến của
Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định và tiến
hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký
kết thỏa thuận quốc tế, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách
nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản
sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo.
MỤC 4
KÝ KẾT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH CƠ QUAN CẤP TỈNH
Điều 15. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ
quan cấp tỉnh
Người đứng
đầu cơ quan cấp tỉnh quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan
cấp tỉnh.
Điều 16. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp
tỉnh
1. Trước khi
tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến
bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác
thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan
được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn
bản trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.
3. Người đứng
đầu cơ quan cấp tỉnh quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người
khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan được
lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Trong
trường hợp có ý kiến khác nhau giữa cơ quan cấp tỉnh và cơ quan được lấy ý kiến
quy định tại khoản 1 Điều này thì trình tự, thủ tục được tiến hành như sau:
a) Cơ quan
cấp tỉnh có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về việc ký kết thỏa
thuận quốc tế;
b) Thủ tướng
Chính phủ cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết thỏa thuận quốc tế trong thời
hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan cấp tỉnh trình;
c) ý kiến của
Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản này là cơ sở để người đứng đầu cơ
quan cấp tỉnh quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký
thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi ký
kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính
phủ bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được
ký kết để thông báo.
MỤC 5
KÝ KẾT
THỎA THUẬN QUỐC TẾ NHÂN DANH
CƠ QUAN
TRUNG ƯƠNG CỦA TỔ CHỨC
Điều 17. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ
quan trung ương của tổ chức
Người đứng
đầu cơ quan trung ương của tổ chức quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế
nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản
của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức.
Điều 18. Trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan
trung ương của tổ chức
1. Trước khi
trình cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức về việc ký kết thỏa thuận
quốc tế, cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản
của Bộ Ngoại giao, cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực hợp tác và tổ chức có liên
quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế đó.
2. Cơ quan,
tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời
bằng văn bản trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy
ý kiến.
3. Cơ quan
trung ương của tổ chức trình cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức cho
ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế sau khi nhận được văn bản trả lời của
cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Cơ quan
quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức cho ý kiến bằng văn bản về việc ký kết
thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức trong thời hạn bảy
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan trung ương của tổ chức
trình.
5. Người đứng
đầu cơ quan trung ương của tổ chức quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền
cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản
của cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức quy định tại khoản 4 Điều
này.
6. Sau khi ký
kết thỏa thuận quốc tế, cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm báo cáo cơ
quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức bằng văn bản, đồng thời gửi Bộ
Ngoại giao bản sao thỏa thuận quốc tế đã được ký kết để thông báo.
MỤC 5
HỒ SƠ LẤY
Ý KIẾN VÀ HỒ SƠ TRÌNH VỀ VIỆC KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Điều 19. Hồ sơ lấy ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế
Hồ sơ lấy ý
kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định
tại khoản 1 Điều 10, khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 14, khoản 1 Điều 16 và khoản
1 Điều 18 của Pháp lệnh này bao gồm:
1. Văn bản đề
xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích của
việc ký kết thỏa thuận quốc tế; nội dung chính của thỏa thuận quốc tế; đánh giá
tác động của thỏa thuận quốc tế dự định ký kết về mặt chính trị, kinh tế, xã hội
và các tác động khác; đánh giá việc tuân thủ các quy định tại Điều 2 và Điều 4
của Pháp lệnh này;
2. Văn bản
thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp thỏa
thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch thỏa thuận
quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
3. Các tài
liệu cần thiết khác.
Điều 20. Hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế
Hồ sơ trình
xin ý kiến về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 4 Điều 10, khoản
4 Điều 12, khoản 4 Điều 14, khoản 4 Điều 16 và khoản 3 Điều 18 của Pháp lệnh này
bao gồm:
1. Văn bản đề
xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó nêu rõ yêu cầu, mục đích của
việc ký kết thỏa thuận quốc tế; nội dung chính của thỏa thuận quốc tế; đánh giá
tác động của thỏa thuận quốc tế dự định ký kết về mặt chính trị, kinh tế, xã hội
và các tác động khác; đánh giá việc tuân thủ các quy định tại Điều 2 và Điều 4
của Pháp lệnh này; vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan, tổ chức hữu quan nếu
có;
2. ý kiến
bằng văn bản của cơ quan, tổ chức hữu quan quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 2
Điều 12, khoản 2 Điều 14, khoản 2 Điều 16 và khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh này;
3. Văn bản
thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp thỏa
thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch thỏa thuận
quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo;
4. Các tài
liệu cần thiết khác.
CHƯƠNG III
THỰC HIỆN
THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Điều 21. Hiệu lực của thỏa thuận quốc tế
1. Thỏa thuận
quốc tế có hiệu lực theo quy định tại văn bản thỏa thuận quốc tế đó.
2. Trong
trường hợp thỏa thuận quốc tế không quy định về hiệu lực thì thỏa thuận quốc tế
đó có hiệu lực theo sự thống nhất giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Điều 22. Lưu trữ thỏa thuận quốc tế
Cơ quan nhà
nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức có trách
nhiệm lưu trữ bản gốc thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 23. Sao lục thỏa thuận quốc tế
1. Cơ quan
nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức có
trách nhiệm sao lục thỏa thuận quốc tế có hiệu lực gửi các đơn vị có liên quan
trực thuộc cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung
ương của tổ chức để thực hiện thỏa thuận quốc tế đó.
2. Trong
trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài, cơ quan nhà
nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan trung ương của tổ chức có trách
nhiệm gửi kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt của thỏa thuận quốc tế đó.
Điều 24. Công bố thỏa thuận quốc tế
Thỏa thuận
quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh
hoặc cơ quan trung ương của tổ chức được công bố công khai, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc có quyết định
khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 25. Tổ chức triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế
1. Cơ quan
nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực
hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận quốc tế mà mình đã ký kết, đồng thời đòi hỏi bên ký
kết nước ngoài thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận quốc tế đó.
2. Việc thực
hiện thỏa thuận quốc tế không được vi phạm các nguyên tắc quy định tại Điều 4
của Pháp lệnh này.
Điều 26. Sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thỏa thuận quốc tế
1. Người có
thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại các điều 9,
11, 13, 15 và 17 của Pháp lệnh này có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung
hoặc gia hạn thỏa thuận quốc tế đó.
2. Trình tự,
thủ tục sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thỏa thuận quốc tế được tiến hành tương tự
trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Pháp lệnh này.
3. Sau khi
sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thỏa thuận quốc tế, cơ quan nhà nước ở trung ương,
cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức thông báo cho Bộ Ngoại giao
về những sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn thỏa thuận quốc tế đó.
Điều 27. Chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế
1. Thỏa thuận
quốc tế có thể bị chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện trong các trường
hợp sau đây:
a) Theo quy
định của thỏa thuận quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký
kết nước ngoài;
b) Trong quá
trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy
định tại Điều 4 của Pháp lệnh này;
c) Khi bên ký
kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận quốc tế.
2. Trình tự,
thủ tục chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế được
tiến hành tương tự trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Pháp
lệnh này.
3. Người có
thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại các điều 9,
11, 13, 15 và 17 của Pháp lệnh này có thẩm quyền quyết định chấm dứt hiệu lực
hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế đó.
4. Sau khi có
quyết định chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, cơ
quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức
có trách nhiệm thông báo cho bên ký kết nước ngoài về việc chấm dứt hiệu lực
hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.
5. Sau khi
thỏa thuận quốc tế bị chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện, cơ quan nhà
nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan trung ương của tổ chức thông
báo cho Bộ Ngoại giao về việc chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa
thuận quốc tế đó.
CHƯƠNG IV
TRÁCH
NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC Ở TRUNG ƯƠNG,
CƠ QUAN
CẤP TỈNH VÀ CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CỦA TỔ CHỨC TRONG HOẠT ĐỘNG KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN
THỎA THUẬN QUỐC TẾ
Điều 28. Trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý hoạt động ký kết và thực
hiện thỏa thuận quốc tế
1. Trong việc
thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, Bộ Ngoại
giao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chịu trách
nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa
thuận quốc tế theo quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh này;
b) Phối hợp
với các cơ quan hữu quan báo cáo Chính phủ theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu
cầu về hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của bộ, cơ quan ngang
bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan cấp tỉnh.
2. Trong hoạt
động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, ủy ban đối ngoại của Quốc hội giúp
Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn
hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của cơ quan của Quốc hội, cơ
quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Kiểm toán Nhà nước;
b) Báo cáo
Quốc hội, thông báo cho Chính phủ và Bộ Ngoại giao theo định kỳ hằng năm hoặc
theo yêu cầu về hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế của cơ quan của
Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
3. Trong hoạt
động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại
của tổ chức có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Chủ trì,
phối hợp với cơ quan hữu quan hướng dẫn việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc
tế của tổ chức;
b) Thực hiện
chế độ báo cáo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu của cơ quan cấp trên có thẩm
quyền và thông báo cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao về hoạt động ký kết, thực hiện
thỏa thuận quốc tế của cơ quan trung ương của tổ chức.
Điều 29. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh,
cơ quan trung ương của tổ chức
Trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh,
cơ quan trung ương của tổ chức có trách nhiệm sau đây:
1. Bảo đảm
tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh thỏa thuận quốc tế do cơ quan đó đã ký kết;
2. Xây dựng
kế hoạch dài hạn, kế hoạch hằng năm về hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận
quốc tế gửi Bộ Ngoại giao để theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
kế hoạch hằng năm được gửi chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 của năm trước;
3. Tổ chức
sao lục, công bố, tuyên truyền, phổ biến thỏa thuận quốc tế mà cơ quan đó đã ký
kết, trừ trường hợp thỏa thuận quốc tế không được phép công bố theo thỏa thuận
giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài hoặc theo quyết định của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền;
4. Tiến hành
những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của cơ quan ký kết thỏa
thuận quốc tế trong trường hợp thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan
đó bị vi phạm;
5. Báo cáo về
tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế với cơ quan có thẩm quyền quy
định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 của Pháp lệnh này chậm nhất vào ngày 15
tháng 11 hằng năm; đồng thời gửi Bộ Ngoại giao để theo dõi và tổng hợp báo cáo
Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cần nêu rõ những khó khăn, thuận lợi và kiến nghị
những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện nghiêm chỉnh các thỏa thuận quốc tế đã
được ký kết và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Trong trường
hợp có yêu cầu, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh hoặc cơ quan
trung ương của tổ chức có trách nhiệm báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện
thỏa thuận quốc tế với cơ quan có thẩm quyền quy định tại các điều 9, 11, 13, 15
và 17 của Pháp lệnh này.
Điều 30. Giám sát hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
1. ủy ban
thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa
thuận quốc tế.
2. ủy ban đối
ngoại chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội giám
sát việc thực hiện Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
3. Đoàn đại
biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có trách nhiệm giám sát việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
theo quy định của pháp luật.
Điều 31. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ
chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh này bị xử lý theo quy
định của pháp luật.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
Điều 32. Kinh phí ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế
1. Kinh phí
ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương,
cơ quan cấp tỉnh được bảo đảm từ ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động thường
xuyên của cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và các nguồn tài trợ
khác.
2. Kinh phí
ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan trung ương của tổ chức
được bảo đảm từ nguồn tài chính của cơ quan trung ương của tổ chức và các nguồn
tài trợ khác.
Điều 33. Hiệu lực thi hành
1. Pháp lệnh
này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.
2. Nghị định
số 20/2002/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2002 của Chính phủ về ký kết và thực hiện
thỏa thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức
chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực.
TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Trọng