ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
Số: 07/CT-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________
Quảng Ngãi, ngày 21 tháng 02 năm 2011
|
CHỈ THỊ
Về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch lở mồm long móng gia súc
_____________________
Hiện nay, tình hình dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc đang xảy ra và diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong những ngày cuối năm 2010 và các tháng đầu năm 2011, dịch LMLM gia súc đã xuất hiện đối với hầu hết các đối tượng chăn nuôi chính: Trâu, bò và lợn; trong 10 ngày qua, tốc độ lây lan rất nhanh, bình quân mỗi ngày tăng 2,5 xã xuất hiện dịch và 40 gia súc bị bệnh. Từ khi có dịch xảy ra, nhiều địa phương đã tích cực áp dụng nhiều biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương lơ là, chủ quan chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, khống chế dịch lây lan. Đến ngày 18/02/2011, dịch LMLM đã xảy ra ở 47 xã của 10 huyện, với tổng số gia súc mắc bệnh là 1.370 con, trong đó chết và tiêu huỷ 103 con, làm thiệt hại rất lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến môi trường.
Thực hiện Quyết định số 260/QĐ-UBND ngày 18/02/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố dịch LMLM gia súc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. UBND các huyện, thành phố:
a) Khẩn trương kiện toàn và phân công địa bàn phụ trách cho từng thành viên Ban chỉ huy phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo phương châm: "phòng là chính, phát hiện sớm, xử lý gọn, bao vây dập dịch từ hộ chăn nuôi và cơ sở”; tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cải tiến nội dung và hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa phương (đồng bằng, miền núi và dân tộc), nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nhận biết, phát hiện kịp thời dịch bệnh để chủ động phòng, chống. Tuyệt đối không được dấu bệnh; không bán chạy gia súc bệnh; không vứt xác gia súc bị bệnh chết ra môi trường; không được sử dụng gia súc, sản phẩm gia súc làm thực phẩm mà không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y.
b) Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các tổ giám sát dịch bệnh tại thôn, xóm, bản, tổ dân phố; nắm chắc số hộ chăn nuôi, số lượng gia súc và địa bàn chăn thả để giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng, bao vây, xử lý gọn khi có dịch xảy ra trong phạm vi hẹp.
c) Tập trung huy động mọi nguồn lực về vật chất và con người trong hệ thống chính trị để hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho gia súc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cùng cấp; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời, nghiêm túc phê bình những tổ chức, cá nhân lơ là trong công tác phòng chống dịch LMLM gia súc.
d) Rà soát kết quả tiêm phòng LMLM đợt II năm 2010 tại các địa phương trên địa bàn huyện, thành phố để phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh đề xuất kế hoạch tiêm phòng vắc xin LMLM để bao vây khống chế dịch.
e) Thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các đường giao thông ở các xã có dịch, cấm vận chuyển gia súc mắc bệnh ra ngoài ổ dịch; tăng cường công tác kiểm dịch tận gốc, kiểm soát vận chuyển nhằm không để dịch lây lan, đồng thời tạo điều kiện trong việc vận chuyển để tiêu thụ đối với những gia súc không mắc bệnh, sản phẩm được lấy từ gia súc không mắc bệnh LMLM theo qui định tại Quyết định số 05/2007/QĐ-BNN ngày 22/01/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 về việc ban hành Quy định phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc.
g) Rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp có kinh doanh về lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn cũng như cung cấp con giống vật nuôi cho các dự án đang triển khai tại địa phương, phải có đầy đủ các thủ tục về kinh doanh giống như giấy phép đăng ký kinh doanh, bảng công bố tiêu chuẩn chất lượng... Con giống vật nuôi phải được Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, xác nhận về chất lượng giống, giấy kiểm dịch thú y thì mới cho phép sử dụng, kiên quyết xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
h) Hoàn chỉnh, phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch LMLM gia súc, năm 2011 của huyện, thành phố để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, phải quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu UBND cấp xã, phường, thị trấn; thôn trưởng, xóm trưởng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu chủ quan, lơ là, buông lỏng quản lý để xảy ra dịch trên địa bàn thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền để phổ biến các biện pháp phòng chống dịch, các quy định, chính sách về phòng chống dịch bệnh LMLM gia súc rộng rãi trong nhân dân.
b) Chỉ đạo Chi cục Thú y:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; huy động và tăng cường tối đa cán bộ thú y hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp bao vây, dập tắt dịch.
- Cảnh báo những địa bàn có nguy cơ phát sinh, tái phát dịch cao, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khi có ổ dịch LMLM xảy ra, phải khẩn trương kiểm tra hiện trường, tiến hành lấy mẫu nếu cần thiết để gửi cơ quan thú y có thẩm quyền xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo phòng chống dịch, đồng thời xác định rõ vùng khống chế để hướng dẫn, quản lý và giám sát tiêm phòng bao vây các ổ dịch theo đúng quy định.
- Chuẩn bị đầy đủ các loại vắc xin, phương tiện, trang thiết bị, vật tư, hoá chất để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương chống dịch.
c) Tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến dịch bệnh và kết quả tổ chức chống dịch của các địa phương hàng ngày (vào 16 giờ 00 phút) cho Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người tỉnh.
3. Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn ngay việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc không thuộc đối tượng cho phép giết mổ trên địa bàn tỉnh và xử phạt nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch: Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường bố trí các bảng panô, áp phích và tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền phổ biến sự nguy hại, hình thức lây nhiễm của dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch để mọi người biết, tích cực tham gia phòng, chống dịch.
5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Tăng thời lượng phát sóng, mở thêm chuyên mục thông tin về tình hình dịch bệnh LMLM gia súc, các biện pháp phòng chống dịch và kịp thời đưa tin biểu dương các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
6. Sở Tài chính: Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng chi ngân sách tỉnh để hỗ trợ kịp thời cho các Sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.
7. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) ở người tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách, phối hợp với các địa phương để chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh LMLM gia súc.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ động phối hợp và hướng dẫn các địa phương trong việc tiêu huỷ, xử lý xác gia súc, đảm bảo vệ sinh, môi trường.
Yêu cầu Giám đốc các Sở ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm và bệnh cúm A(H5N1) ở người tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng 4, Đà Nẵng;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- CT, PCT(NL) UBND tỉnh;
- Cơ quan Thú y Vùng IV;
- Các Sở ngành: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Y tế, Tài chính, Tài nguyên và MT, Công an tỉnh;
- Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- Các thành viên BCH Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) tỉnh Quảng Ngãi;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- VPUB: CVP, PVP (NL), VH-XH;
- Trung tâm Công báo và Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NN-TNndt59.
|
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trương Ngọc Nhi
|