BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
______________
Số: 46/2012/TT-BNNPTNT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________________
Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2012
|
THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/7/2009
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý tài chính
nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
______________________
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 07/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Thông tư số 40/2011/TT-BTC ngày 22/3/2011 và Thông tư số 107/2011/TT-BTC ngày 20/7/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 108/2007/TT-BTC ngày 07/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Căn cứ Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 87/2010/TT-BTC ngày 15/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/7/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý tài chính nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 44/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/7/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý tài chính nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc phạm vi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
1. Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi như sau:
“2. Ngoài các nội dung nêu trên, đối với các chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại có tính chất độc lập (không đi kèm với dự án vốn vay) còn phải thực hiện việc xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) theo quy định tại Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có)”.
2. Khoản 1 và 2 Điều 9 được sửa đổi như sau:
“1. Xác nhận tiền, hàng viện trợ với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại), báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng viện trợ chỉ áp dụng đối với các chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại có tính chất độc lập.
Mẫu Tờ khai và thời điểm xác nhận viện trợ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 255/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư này (nếu có).
2. Chậm nhất 15 ngày sau khi hết quý, chủ dự án gửi báo cáo thanh toán tạm ứng đối với các khoản viện trợ bằng tiền trong quý gửi Bộ (Vụ Tài chính) để tổng hợp gửi Bộ Tài chính.”
3. Khoản 1 Điều 10 được sửa đổi như sau:
“1. Định mức chi tiêu trong trường hợp sử dụng nguồn vốn đối ứng trong nước và vốn vay thông qua các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Thông tư số 192/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có)”.
4. Khoản 5 Điều 12 được sửa đổi như sau:
“5. Đối với các dự án viện trợ không hoàn lại:
a) Hạch toán ngân sách đối với khoản viện trợ bằng hàng: Khi chủ dự án / đơn vị xác nhận viện trợ, Bộ Tài chính lập lệnh ghi thực thu ngân sách đồng thời ghi thực chi cho dự án / đơn vị.
b) Hạch toán ngân sách đối với khoản viện trợ bằng tiền:
- Căn cứ Tờ khai xác nhận viện trợ của dự án / đơn vị, Bộ Tài chính lập lệnh ghi thực thu ngân sách đồng thời ghi chi tạm ứng cho dự án / đơn vị.
- Dự án / đơn vị thực hiện chi tiêu, định kỳ hàng quý lập báo cáo số liệu thanh toán tạm ứng gửi Bộ (qua Vụ Tài chính) để kiểm tra, tổng hợp đề nghị Bộ Tài chính thanh toán hoàn tạm ứng và ghi thực chi vốn viện trợ cho dự án / đơn vị”.
5. Bãi bỏ Điểm 2 Khoản 6 Điều 12.
6. Điều 13 được bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Đối với các chương trình, dự án viện trợ chấm dứt hoạt động hoặc có quyết định giải thể, sáp nhập trong năm ngân sách, giám đốc dự án và người phụ trách kế toán phải chịu trách nhiệm giải quyết các khoản thu, chi và hoàn thành việc báo cáo quyết toán chi viện trợ đến thời điểm chấm dứt hoạt động, giải thể, sáp nhập, mới được điều chuyển đi công tác khác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm (nếu có) trong thời gian thực hiện nhiệm vụ”.
7. Điều 14 được bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Đối với các dự án do yêu cầu bắt buộc phải nộp chứng từ (bản gốc) cho Bên tài trợ, chủ dự án thực hiện sao chụp lại chứng từ kế toán theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán áp dụng trong lĩnh vực kế toán nhà nước”.
8. Khoản 2 và 3 Điều 17 được sửa đổi như sau:
“2. Đối với các dự án XDCB, quyết toán dự án năm thực hiện theo Thông tư số 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính về việc quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có)”.
3. Đối với các dự án HCSN, quyết toán dự án năm thực hiện theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC, ngày 02/01/2007 của Bộ Tài chính, hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán hàng năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có)”.
9. Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi như sau:
“2. Báo cáo quyết toán vốn dự án đầu tư XDCB hoàn thành thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính Quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có)”.
10. Điều 21 được sửa đổi như sau:
“Điều 21. Xử lý tài sản trong quá trình sử dụng và sau khi dự án kết thúc.
Việc xử lý tài sản của các dự án khi dự án kết thúc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 87/2010/TT-BTC ngày 15/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước khi dự án kết thúc và Điều 15 Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư này (nếu có)”.
11. Điều 21a được bổ sung vào sau Điều 21 như sau:
“Điều 21a. Xử lý kinh phí kết dư và chênh lệch tỷ giá khi kết thúc dự án:
1. Kinh phí kết dư là số tiền do Bên tài trợ chuyển cho phía Việt Nam để thanh toán cho những hoạt động dự án nhưng sau khi kết thúc dự án vẫn còn dư trên tài khoản tiếp nhận tiền viện trợ. Sau khi kết thúc dự án, nếu như không phải trả lại nhà tài trợ theo điều ước, thoả thuận quốc tế, số kinh phí kết dư trên được nộp về một tài khoản riêng của Bộ.
2. Chênh lệch tỷ giá giữa tỷ giá hạch toán trên sổ sách kế toán và tỷ giá thực tế phát sinh trong quá trình hạch toán, chuyển đổi số ngoại tệ viện trợ sang nội tệ, được hạch toán riêng và xử lý kết chuyển vào chi phí, hoặc thu nhập hoạt động dự án hàng năm. Sau khi kết thúc dự án, nếu không có thoả thuận xử lý cụ thể với Bên tài trợ, số tiền chênh lệch trên (chênh lệch dương) được nộp về một tài khoản riêng của Bộ.
3. Việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí kết dư được thực hiện như sau:
a) Mở và sử dụng tại khoản:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Văn phòng Bộ mở một tại khoản riêng tại ngân hàng thương mại; sử dụng dấu của Văn phòng Bộ để phục vụ việc quản lý thu, nộp và sử dụng nguồn kinh phí kết dư.
- Thông qua công tác thẩm tra quyết toán, kiểm tra tài chính (nếu có), các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị tiếp nhận sử dụng viện trợ có trách nhiệm chuyển kinh phí kết dư theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Tài chính) vào tài khoản nêu trên trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo thu nộp.
b) Tổ chức quản lý, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan:
- Văn phòng Bộ sử dụng nhân sự, bộ máy kế toán hiện có để quản lý, hạch toán, theo dõi, lập báo cáo phản ánh tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí kết dư do các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị chuyển về tại khoản nêu trên theo quy định.
- Vụ Tài chính chịu trách nhiệm thông báo thu nộp kinh phí kết dư gửi trực tiếp đến các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, sử dụng viện trợ; đồng thời, cử Lãnh đạo, chuyên viên chuyên quản để chỉ đạo, phối hợp với Văn phòng Bộ theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tình hình quản lý thu nộp và sử dụng nguồn kinh phí nêu trên.
- Cán bộ của Văn phòng Bộ và Vụ Tài chính hoạt động kiêm nhiệm; tham gia quản lý nguồn kinh phí nêu trên được hưởng phụ cấp tương ứng với tỷ lệ thời gian kiêm nhiệm ghi trong quyết định cử người, phân công nhiệm vụ và được chi trả theo mức thực tế trên cơ sở cân đối nguồn thu kinh phí kết dư trong từng giai đoạn; thủ tục thanh toán tiền phụ cấp theo quy định hiện hành.
c) Sử dụng nguồn kinh phí kết dư chuyển về tài khoản của Bộ cho những nội dung sau:
- Chi tăng cường năng lực quản lý cho các chương trình/dự án thuộc Bộ, bao gồm mở các lớp đào tạo, tham dự và tổ chức các hội thảo; cử đi tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng trong nước và nước ngoài;
- Chi đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý, giám sát thực hiện các chương trình/dự án hỗ trợ của nước ngoài;
- Chi hỗ trợ cho công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án viện trợ không hoàn lại hoàn thành (bao gồm chi tổ chức cuộc họp, tiền in ấn, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm, dịch thuật, thù lao cho thành viên Hội đồng, Tổ thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành);
- Chi công tác phí, tổ chức các chuyến công tác giám sát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các chương trình/dự án hỗ trợ của nước ngoài;
- Chi bồi dưỡng làm thêm (ngày, giờ); phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia quản lý nguồn kinh phí;
- Chi để thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo, ưu tiên của Bộ.
d) Toàn bộ các khoản chi cho nội dung nêu trên từ nguồn kinh phí kết dư trước khi Văn phòng Bộ thực hiện giải ngân, thanh toán, chuyên viên phụ trách dự án phải lập dự toán chi tiết trình Vụ trưởng Vụ Tài chính phê duyệt trên cơ sở các hạng mục/nội dung trong dự toán tổng thể đã thỏa thuận với Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại).
đ) Nguồn kinh phí kết dư nêu trên, cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
e) Định mức chi tiêu thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước. Trường hợp chưa có quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức chi, Vụ Tài chính làm văn bản trình Bộ gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để thỏa thuận, làm căn cứ quyết định.
g) Kế toán và chế độ báo cáo: Văn phòng Bộ mở sổ kế toán và tổ chức hạch toán, kế toán để phản ánh tình hình tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí nêu trên; hàng quý, năm, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo tài chính, quyết toán thu, chi kinh phí kết dư cùng với báo cáo tài chính và quyết toán của đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt theo quy định hiện hành”.
Điểu 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2012.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ để hướng dẫn, phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận:
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng: Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch nước;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT;
- Các Cục/Vụ thuộc Bộ;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TC.
|
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Cao Đức Phát
|