CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
_______
Số: 104/2007/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -
Hạnh phúc
_____________________________________
Hà Nội, ngày 14 tháng
6 năm 2007 |
NGHỊ ĐỊNH
Về kinh doanh dịch vụ
đòi nợ
_____________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Dân sự
ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp
ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này điều
chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Hoạt động kinh doanh
dịch vụ đòi nợ quy định tại Nghị định này chỉ được thực hiện đối với những khoản
nợ có đầy đủ các yếu tố:
a) Có đủ căn cứ là khoản
nợ hợp pháp;
b) Đã quá hạn thanh toán.
3. Không thuộc phạm vi
điều chỉnh của Nghị định này, gồm: các khoản nợ đang thực hiện theo bản án,
quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách
nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ
trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng Nghị
định này là các tổ chức kinh tế, cá nhân liên quan tham gia hoạt động dịch vụ
đòi nợ ở Việt Nam, gồm:
1. Chủ nợ;
2. Khách nợ;
3. Doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ;
4. Tổ chức, cá nhân khác
liên quan.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một
số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Nợ: là nghĩa vụ của tổ
chức kinh tế, cá nhân này phải trả tài sản cho tổ chức kinh tế, cá nhân khác;
2. Chủ nợ: là tổ chức
kinh tế, cá nhân có quyền đòi nợ;
3. Khách nợ: là tổ chức
kinh tế, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ;
4. Nợ quá hạn thanh toán
là: nợ chưa được khách nợ thanh toán cho chủ nợ khi đã quá thời hạn phải thanh
toán theo thoả thuận giữa chủ nợ và khách nợ hoặc đã quá thời hạn phải thanh
toán theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 4.
Nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ
1. Chỉ những doanh nghiệp
được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt
động dịch vụ đòi nợ.
2. Doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài
dịch vụ đòi nợ.
3. Doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy
định của pháp luật.
4. Hoạt động dịch vụ đòi
nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công
nhận.
Điều 5.
Thực hiện nghĩa vụ nộp
thuế, chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo
1. Doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về
thuế.
2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện chế độ kế
toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo theo quy định của pháp luật đối với doanh
nghiệp.
Chương II
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐÒI
NỢ
Điều 6.
Nội dung hoạt động dịch vụ
đòi nợ
1. Đại diện chủ nợ để xác
định các khoản nợ, các nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của
khách nợ; đôn đốc khách nợ trả nợ; thu nợ.
2. Đại diện chủ nợ làm việc với tổ chức hoặc cá nhân có liên quan
để thu nợ.
3. Đại diện khách nợ để
xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ.
4. Tư vấn pháp luật cho
chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý
nợ.
Điều 7.
Các biện pháp trong hoạt
động dịch vụ đòi nợ
1. Doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ:
a) Thực hiện các biện
pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác
định rõ các khoản nợ;
b) Thông báo việc đòi nợ
và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện
pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
c) Nhận tài sản do khách
nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của
khách nợ theo ủy quyền của chủ nợ.
2. Doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho khách nợ: được áp dụng các biện pháp phù hợp
quy định tại khoản 1 Điều này để đàm phán, thương thuyết với chủ nợ về các nội
dung do khách nợ ủy quyền.
Điều 8.
Trách nhiệm, quyền hạn của
chủ nợ và khách nợ
1. Chủ nợ và
khách nợ có trách nhiệm hợp tác với nhau cùng với doanh nghiệp kinh doanh dịch
vụ đòi nợ, để xác định rõ các khoản nợ; khách nợ có trách nhiệm trả nợ cho chủ
nợ.
2. Thực hiện ủy
quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ những nội dung, công việc liên
quan đến xử lý nợ theo đúng quy định của pháp luật.
3. Cung cấp
thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết liên quan đến khoản nợ cho doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
4. Thanh toán
phí dịch vụ và các chi phí hợp lý khác cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi
nợ theo hợp đồng đã ký kết.
5. Được từ chối
làm việc khi người đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không xuất
trình được giấy tờ hợp pháp hoặc người đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
đòi nợ vi phạm các hành vi bị cấm nêu tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
6. Yêu cầu doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thông báo đầy đủ, thường xuyên về việc thực
hiện các nội dung liên quan đến xử lý nợ theo hợp đồng đã ký kết.
7. Yêu cầu giao
lại tài sản thu được từ khoản nợ và các tài liệu, tài sản đã giao cho doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hợp đồng đã ký kết.
8. Trực tiếp
làm việc hoặc bố trí người đại diện có thẩm quyền làm việc với người đại diện
của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
9. Không chịu
trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
đòi nợ vi phạm pháp luật.
Điều
9. Trách
nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ
1. Thực hiện
hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép và được chủ nợ hoặc khách
nợ ủy quyền; không được giao hoặc ủy quyền lại cho cá nhân ngoài doanh nghiệp
hoặc tổ chức khác thực hiện các hoạt động này; trừ trường hợp tổ chức đó cũng là
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và việc ủy quyền lại phải được sự đồng ý
bằng văn bản của chủ nợ hoặc khách nợ (bên ký hợp đồng uỷ quyền với doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ đòi nợ).
2. Thông báo
cho chủ nợ hoặc khách nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan về việc doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền xử lý nợ.
3. Bảo quản và
giao lại cho chủ nợ hoặc khách nợ các tài liệu và tài sản được giao để thực hiện
dịch vụ đòi nợ theo hợp đồng đã ký kết.
4. Thông báo
đầy đủ, thường xuyên cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc thực hiện các nội dung đã
ủy quyền theo hợp đồng.
5. Bồi thường
thiệt hại cho chủ nợ hoặc khách nợ do vi phạm hợp đồng, làm mất, hư hỏng tài
liệu, tài sản được giao và tài sản thu được từ khoản nợ.
6. Thu nợ, giao
lại các tài sản thu được từ khoản nợ cho chủ nợ theo hợp đồng đã ký kết.
7. Chịu trách nhiệm
trước pháp luật về việc vi phạm các hành vi bị cấm nêu tại khoản 2 Điều 11 Nghị
định này và các hành vi vượt quá phạm vi được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền.
8. Cấp giấy giới thiệu
cho người lao động được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ.
9. Cấp thẻ nhân viên cho
người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy
định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên,
chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.
10. Yêu cầu chủ nợ hoặc
khách nợ cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản cần thiết liên quan đến khoản nợ.
11. Được chủ nợ hoặc
khách nợ thanh toán phí dịch vụ và các chi phí khác theo thoả thuận đã ký kết.
12. Không chịu trách
nhiệm đối với chủ nợ hoặc khách nợ về những vấn đề phát sinh ngoài các nội dung
đã được ủy quyền.
Điều 10.
Trách
nhiệm của người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi
thực hiện các hoạt động đòi nợ
1. Chỉ thực hiện các
nhiệm vụ trong phạm vi hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
đòi nợ.
2. Không vi phạm các
hành vi bị cấm nêu tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
3. Những người không đeo
thẻ nhân viên hoặc không có giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ
đòi nợ thì không được làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ
chức, cá nhân khác liên quan.
Điều
11. Các
hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động dịch vụ đòi nợ
1. Đối với chủ
nợ hoặc khách nợ:
a) Ủy quyền cho
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động vượt quá quyền
được pháp luật công nhận đối với chủ nợ hoặc khách nợ;
b) Thực hiện
hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc
đe doạ sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Đối với
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ:
a) Thực hiện
hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính
mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các
quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan;
b) Sử dụng các
thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ
để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những
thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác;
c) Thực hiện
các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá
phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền;
d) Đại diện
đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ.
Điều
12. Phí
dịch vụ đòi nợ
Chủ nợ, khách
nợ và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thoả thuận phí dịch vụ đòi nợ và
ghi trong hợp đồng được ký kết giữa hai bên.
Chương III
ĐIỀU KIỆN
KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ
Điều
13. Điều
kiện về vốn
Mức vốn pháp
định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ
đồng).
Trong suốt quá
trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn
điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.
Điều
14. Điều
kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp
kinh doanh dịch vụ đòi nợ:
1. Có đầy đủ
năng lực hành vi dân sự.
2. Có trình độ
học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp
luật, an ninh.
3. Không có
tiền án.
4. Những người
đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước
liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã
bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Điều
15.
Điều
kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ
1. Người lao động
được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao
động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên.
2. Có đầy đủ
năng lực hành vi dân sự.
3. Có trình độ
học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp
luật, an ninh.
4. Không có
tiền án.
Điều
16.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Khi đăng ký
kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ngoài những quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh theo
quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải có:
1. Hồ sơ chứng
minh điều kiện về vốn:
a) Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ
phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ
hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; bản đăng ký vốn đầu
tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân và đối với công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là cá nhân;
b) Đối với số
vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt
động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ
phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải toả
sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
c) Đối với số
vốn góp bằng tài sản, phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt
Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu
lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.
2. Hồ sơ chứng
minh điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của
doanh nghiệp, gồm:
a) Bản sao hợp
lệ bằng tốt nghiệp đại học thuộc một trong các ngành quy định tại khoản 2 Điều
14 Nghị định này. Trường hợp bằng tốt nghiệp do nước ngoài cấp, thì phải được
dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng;
b) Phiếu lý
lịch tư pháp.
Trường hợp cá
nhân là người nước ngoài, phải có giấy chứng thực của chính quyền nước sở tại về
việc cá nhân đó không có tiền án ở nước đó. Giấy chứng thực này phải được dịch
ra tiếng Việt Nam và công chứng.
Điều
17. Thay
đổi người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp và mức vốn điều lệ
Khi thay đổi
người quản lý, giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp, mức vốn điều lệ, doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
hiện hành về đăng ký kinh doanh và phải đáp ứng đủ các điều kiện về vốn, về
người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp được quy định tại Điều 13
và Điều 14 Nghị định này.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ
HOẠT ĐỘNG
KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ
Điều
18. Trách
nhiệm của Bộ Tài chính
1. Xây dựng và
trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy
phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Điều
19. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thực hiện
kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành
phố và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với những hành vi vi phạm hoạt động
kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Báo cáo Bộ
Tài chính về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố
theo định kỳ 6 tháng, hàng năm và đột xuất.
Điều
20. Trách
nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh
1.Tiếp nhận,
xem xét hồ sơ đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ và thực hiện cấp giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho doanh nghiệp khi hồ sơ đáp ứng đủ điều
kiện theo quy định tại các Điều 13, Điều 14 và Điều 16 Nghị định này.
2. Báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cấp Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho doanh nghiệp (hoặc việc cấp Giấy chứng
nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh).
Chương V
XỬ PHẠT VI
PHẠM HÀNH CHÍNH
TRONG HOẠT
ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ
Điều
21. Quy
định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi
nợ
1. Những hành
vi vi phạm có tính đặc thù trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị xử phạt
vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Hành vi vi
phạm quy định về đối tượng được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
b) Hành vi vi
phạm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
c) Hành vi vi
phạm quy định về yêu cầu nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Những hành
vi vi phạm khác trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngoài các hành vi quy
định cụ thể tại khoản 1 Điều này bị xử lý theo các quy định hiện hành khác của
pháp luật.
3. Nguyên tắc xử phạt,
thời hiệu xử phạt, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, thủ tục xử phạt,
cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu tại Nghị
định này được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính.
Điều 22.
Hình thức
xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Các hành vi vi phạm hoạt
động kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định cụ thể tại điểm 1 Điều 21 Nghị định này
bị xử phạt vi phạm hành chính theo một trong các hình thức sau:
1. Phạt cảnh cáo;
2. Phạt tiền;
Mức phạt tiền tối đa là
70.000.000 đồng (Bảy mươi triệu đồng).
3. Ngoài các hình thức
xử phạt nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi
nợ có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau: buộc thực
hiện đúng các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định
tại Nghị định này;
4. Ngoài các hình thức
xử phạt nêu tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, doanh nghiệp kinh
doanh dịch vụ đòi nợ có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt
bổ sung sau: thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh.
Điều 23.
Hình thức
xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đối tượng được
phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ
1. Phạt tiền từ
40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với những tổ chức, cá nhân không phải là
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm lần đầu việc kinh doanh dịch vụ
đòi nợ.
2. Phạt tiền từ
60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với những tổ chức, cá nhân không phải là
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tái vi phạm việc kinh doanh dịch vụ đòi
nợ.
3. Áp dụng biện pháp
khắc phục hậu quả: buộc chấm dứt ngay hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Điều 24.
Hình thức
xử phạt vi phạm hành chính đối với hành
vi vi phạm quy định về điều
kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ
1. Phạt cảnh cáo đối với
doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đối với hành vi vi phạm lần đầu một trong
các hành vi vi phạm sau:
a) Kinh doanh ngành
nghề, dịch vụ khác ngoài các hoạt động dịch vụ đòi nợ được quy định tại Nghị
định này;
b) Không duy trì đủ mức
vốn pháp định theo quy định tại Nghị định này;
c) Bầu, bổ nhiệm người
không đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định này vào các chức danh quản lý
doanh nghiệp hoặc chức danh giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp.
2. Phạt tiền từ
15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi
nợ về mỗi lần tái vi phạm một trong các hành vi vi phạm nêu tại khoản 1 Điều
này.
3. Áp dụng biện pháp
khắc phục hậu quả:
a) Buộc chấm dứt ngay
hoạt động kinh doanh ngoài các hoạt động dịch vụ đòi nợ;
b) Buộc đáp ứng đủ các
điều kiện về vốn, điều kiện đối với người quản lý hoặc giám đốc chi nhánh của
doanh nghiệp.
Điều 25.
Hình thức
xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về yêu cầu nghiệp vụ
trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ
1. Phạt cảnh cáo doanh
nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đối với hành vi vi phạm lần đầu một trong các
hành vi vi phạm sau:
a) Không cấp thẻ nhân
viên cho người được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ;
b) Thẻ nhân viên không
có đủ các nội dung theo quy định;
c) Không cấp
giấy giới thiệu cho nhân viên được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch
vụ đòi nợ;
d) Nhân viên
được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ không đeo thẻ nhân
viên hoặc không xuất trình giấy giới thiệu khi làm việc trực tiếp với khách nợ,
chủ nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Phạt tiền từ
10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi
nợ về một trong những hành vi vi phạm sau:
a) Ủy quyền lại
cho các tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
b) Tái vi phạm
một trong các hành vi vi phạm nêu tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ
20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với mỗi lần tái vi phạm hành vi nêu tại
điểm a khoản 2 Điều này.
4. Áp dụng biện
pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chấm
dứt ngay việc ủy quyền lại cho các tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh
dịch vụ đòi nợ;
b) Buộc khôi phục lại
tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do việc ủy quyền lại cho các tổ chức, cá nhân
không được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ gây ra;
c) Buộc thực
hiện đúng quy định về cấp thẻ nhân viên và giấy giới thiệu theo quy định tại
Nghị định này.
Điều
26. Thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại các
Điều 23, Điều 24 và Điều 25 Nghị định này
1. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các cấp được xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi
phạm quy định trong Nghị định này trong phạm vi thẩm quyền xử phạt được quy định
tại Điều 29 và Điều 30 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Thanh tra
viên Bộ Tài chính, Thanh tra viên Sở Tài chính đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh
cáo;
b) Áp dụng các biện pháp
khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
3. Chánh Thanh tra Sở
Tài chính có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến
20.000.000 đồng;
c) Áp dụng các biện pháp
khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
4. Chánh Thanh tra Bộ
Tài chính có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức cao
nhất quy định tại Nghị định này;
c) Áp dụng các biện pháp
khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 27.
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có
hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều
28. Áp
dụng đối với các doanh nghiệp đã được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước ngày
Nghị định này có hiệu lực thi hành
1. Đối với các
doanh nghiệp chỉ kinh doanh dịch vụ đòi nợ:
a) Doanh nghiệp
đã đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại các Điều 13, Điều 14 và Điều 15
Nghị định này, không phải làm lại thủ tục đăng ký kinh doanh; nhưng trong thời
hạn 60 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp phải có
hồ sơ chứng minh đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ gửi cơ quan đăng ký kinh
doanh. Hồ sơ gồm có:
- Hồ sơ chứng
minh điều kiện về vốn: bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối
tháng gần nhất;
- Hồ sơ chứng
minh điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của
doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định này.
b) Doanh nghiệp chưa
đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định mới, trong thời
hạn 60 ngày, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, phải bổ sung đủ các
điều kiện và gửi hồ sơ theo quy định tại mục a, mục b của khoản 1 Điều này cho
cơ quan đăng ký kinh doanh, nếu không sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh.
2. Đối với các doanh
nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký; trong đó, có hoạt động kinh doanh
dịch vụ đòi nợ, phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này.
Điều 29.
Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng Bộ Tài
chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị
định này./.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
-
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
-
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
-
Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng;
-
HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
-
Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
-
Văn phòng Chủ tịch nước;
-
Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
-
Văn phòng Quốc hội;
-
Toà án nhân dân tối
cao;
-
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Kiểm toán Nhà nước;
-
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
-
Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
-
VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
Website Chính phủ, Ban
Điều hành 112,
Người phát ngôn của
Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị
trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (8b). Hoà
(305 bản) |
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn
Tấn Dũng
|