QUỐC HỘI
QUỐC HỘI
_________________
Luật số:
22/2008/QH12 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do -
Hạnh phúc
___________________________
Hà Nội, ngày 13
tháng 11 năm 2008 |
LUẬT
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Căn cứ Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật cán bộ, công chức.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật
này quy định về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý
cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và điều kiện bảo
đảm thi hành công vụ.
Điều 2.
Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức
Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các
quy định khác có liên quan.
Điều 3. Các
nguyên tắc trong thi hành công vụ
1. Tuân
thủ Hiến pháp và pháp luật.
2. Bảo
vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
3. Công
khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát.
4. Bảo
đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả.
5. Bảo
đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.
Điều 4. Cán
bộ, công chức
1. Cán
bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh
theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính
trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi
chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi
chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Công
chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức
danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã
hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân
dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ
quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công
lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây
gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân
sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự
nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công
lập theo quy định của pháp luật.
3. Cán
bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được
bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội;
công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên
môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ
ngân sách nhà nước.
Điều 5. Các
nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức
1. Bảo
đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.
2. Kết
hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
3. Thực
hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân
cấp rõ ràng.
4. Việc
sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính
trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.
5. Thực
hiện bình đẳng giới.
Điều 6.
Chính sách đối với người có tài năng
Nhà
nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng
đáng đối với người có tài năng.
Chính
phủ quy định cụ thể chính sách đối với người có tài năng.
Điều 7.
Giải thích từ ngữ
Trong
Luật này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1.
Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được
giao thẩm quyền quản lý, phân công, bố trí, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của cán bộ, công chức.
2.
Cơ quan quản lý cán bộ, công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm
quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, cho thôi việc, nghỉ hưu,
giải quyết chế độ, chính sách và khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức.
3.
Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch
công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn
vị.
4.
Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ của công chức.
5.
Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo,
quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật.
6.
Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh
khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
7.
Bãi nhiệm là việc cán bộ không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh khi chưa
hết nhiệm kỳ.
8.
Giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức
vụ thấp hơn.
9.
Cách chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục
giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ
nhiệm.
10.
Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết
định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn
vị khác.
11.
Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được
cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn
nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo
yêu cầu nhiệm vụ.
12.
Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn
vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu
cầu nhiệm vụ.
13.
Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị
được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
CHƯƠNG II
NGHĨA VỤ, QUYỀN CỦA
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Mục 1
NGHĨA VỤ CỦA
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều 8.
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân
1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến
và chịu sự giám sát của nhân dân.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 9.
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm
về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành
nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi
phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí
mật nhà nước.
3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công
vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm
tài sản nhà nước được giao.
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ
cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo
bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết
định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng
không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên
trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật về quyết định của mình.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10.
Nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu
Ngoài việc thực hiện quy định tại Điều 8 và Điều 9
của Luật này, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn
phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và
chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công
vụ của cán bộ, công chức;
3. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan
liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về
việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về
dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời,
nghiêm minh cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm kỷ luật,
pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công
dân;
5. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm
quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến
nghị của cá nhân, tổ chức;
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Mục 2
QUYỀN CỦA
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều 11. Quyền của cán bộ, công chức được
bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ
1. Được giao quyền tương xứng với nhiệm vụ.
2. Được bảo đảm trang thiết bị và các điều kiện làm
việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.
4. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính
trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ.
Điều 12. Quyền của cán bộ, công chức về
tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương
1. Được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với
nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất
nước. Cán bộ, công chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng
xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
hoặc trong các ngành, nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp
và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
2. Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm
đêm, công tác phí và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Quyền của cán bộ, công chức về
nghỉ ngơi
Cán bộ, công chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ
để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động. Trường hợp do
yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, công chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày
nghỉ hàng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng
tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Điều 14.
Các quyền khác của cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức được bảo đảm quyền học tập, nghiên
cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu
đãi về nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy
định của pháp luật; nếu bị thương hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì
được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công
nhận là liệt sĩ và các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Mục 3
ĐẠO ĐỨC, VĂN
HÓA GIAO TIẾP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Điều 15. Đạo đức của cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm,
chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ.
Điều 16. Văn hóa giao tiếp ở công sở
1. Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ, công chức phải
có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ
ràng, mạch lạc.
2. Cán bộ, công
chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp; công bằng, vô tư, khách quan khi
nhận xét, đánh giá; thực hiện dân chủ và đoàn kết nội bộ.
3. Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải mang
phù hiệu hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho
cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp.
Điều 17. Văn hóa giao tiếp với nhân dân
1. Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự,
nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.
2. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho
nhân dân khi thi hành công vụ.
Mục 4
NHỮNG VIỆC
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC KHÔNG ĐƯỢC LÀM
Điều 18. Những việc cán bộ, công chức không được
làm liên quan đến đạo đức công vụ
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được
giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
3. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng
thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
4. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã
hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Điều 19. Những việc cán bộ, công chức không được
làm liên quan đến bí mật nhà nước
1. Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin
liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
2. Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên
quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có
quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành,
nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá
nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
3. Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề,
công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với
những người phải áp dụng quy định tại Điều này.
Điều 20. Những việc khác cán bộ, công chức không
được làm
Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18
và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên
quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống
tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy
định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
CHƯƠNG III
CÁN BỘ Ở TRUNG ƯƠNG,
CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN
Điều
21. Cán bộ
1. Cán
bộ quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này bao gồm cán bộ trong cơ quan của
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp
tỉnh, cấp huyện.
2. Cơ
quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam căn cứ vào điều lệ của Đảng Cộng
sản Việt Nam, của tổ chức chính trị - xã hội và quy định của Luật này quy định
cụ thể chức vụ, chức danh cán bộ làm việc trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt
Nam, tổ chức chính trị - xã hội.
Chức
vụ, chức danh cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước được xác định theo quy định
của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Toà án nhân dân,
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên
quan.
Điều
22. Nghĩa vụ, quyền của cán bộ
1. Thực
hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Chương II và các quy định khác có liên
quan của Luật này.
2. Thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và điều lệ của
tổ chức mà mình là thành viên.
3. Chịu
trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân và trước cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều
23. Bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản
Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội
Việc
bầu cử, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt
Nam, tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định của điều lệ, pháp
luật có liên quan.
Điều
24. Bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan
nhà nước
Việc
bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kỳ trong cơ
quan nhà nước từ trung ương đến cấp huyện được thực hiện theo quy định của Hiến
pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Uỷ ban nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát
nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều
25. Đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ
1. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải căn
cứ vào tiêu chuẩn, chức vụ, chức danh cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với
quy hoạch cán bộ.
2. Chế
độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định.
Điều
26. Điều động, luân chuyển cán bộ
1. Căn
cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch cán bộ, cán bộ được điều động, luân chuyển
trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính
trị - xã hội.
2. Việc
điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật và của
cơ quan có thẩm quyền.
Điều
27. Mục đích đánh giá cán bộ
Đánh
giá cán bộ để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ
để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính
sách đối với cán bộ.
Điều
28. Nội dung đánh giá cán bộ
1. Cán
bộ được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Chấp
hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Phẩm
chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
c) Năng
lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
d) Tinh
thần trách nhiệm trong công tác;
đ) Kết
quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Việc
đánh giá cán bộ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm,
quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân
chuyển.
Thẩm
quyền, trình tự, thủ tục đánh giá cán bộ được thực hiện theo quy định của pháp
luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Điều
29. Phân loại đánh giá cán bộ
1. Căn
cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân loại đánh giá như sau:
a) Hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ;
b) Hoàn
thành tốt nhiệm vụ;
c) Hoàn
thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;
d)
Không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Kết
quả phân loại đánh giá cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ và thông báo đến cán bộ
được đánh giá.
3. Cán
bộ 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 02
năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực
và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí
công tác khác.
Cán bộ
02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ.
Điều
30. Xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm
1. Cán
bộ có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức, miễn nhiệm trong các trường hợp
sau đây:
a)
Không đủ sức khỏe;
b)
Không đủ năng lực, uy tín;
c) Theo
yêu cầu nhiệm vụ;
d) Vì
lý do khác.
2. Thẩm
quyền, trình tự, thủ tục xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm được thực
hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Điều
31. Nghỉ hưu đối với cán bộ
1. Cán bộ được nghỉ hưu theo quy định
của Bộ luật lao động.
2.
Trước 06 tháng, tính đến ngày cán bộ nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý
cán bộ phải thông báo cho cán bộ bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03
tháng, tính đến ngày cán bộ nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ ra
quyết định nghỉ hưu.
3.
Trong trường hợp đặc biệt, đối với cán bộ giữ chức vụ từ Bộ trưởng hoặc tương
đương trở lên có thể được kéo dài thời gian công tác theo quy định của cơ quan
có thẩm quyền.
CHƯƠNG IV
CÔNG CHỨC Ở TRUNG
ƯƠNG, CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN
Mục 1
CÔNG CHỨC VÀ PHÂN
LOẠI CÔNG CHỨC
Điều
32. Công chức
1. Công
chức quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này bao gồm:
a) Công
chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội;
b) Công
chức trong cơ quan nhà nước;
c) Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý
của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Công
chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan,
quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; công chức trong cơ quan, đơn vị
thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
2.
Chính phủ quy định cụ thể Điều này.
Điều
33. Nghĩa vụ, quyền của công chức
1. Thực
hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Chương II và các quy định khác có liên
quan của Luật này.
2. Thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
3. Chịu
trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.
Điều
34. Phân loại công chức
1. Căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức
được phân loại như sau:
a) Loại
A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
b) Loại
B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
c) Loại
C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
d) Loại
D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân
viên.
2.
Căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:
a) Công
chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
b) Công
chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Mục 2
TUYỂN DỤNG
CÔNG CHỨC
Điều 35.
Căn cứ tuyển dụng công chức
Việc
tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ
tiêu biên chế.
Điều
36. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
1. Người có đủ các điều kiện sau đây
không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo
được đăng ký dự tuyển công chức:
a) Có
một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ
18 tuổi trở lên;
c) Có
đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;
d) Có
văn bằng, chứng chỉ phù hợp;
đ) Có
phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;
e) Đủ
sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;
g) Các
điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
2.
Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển công chức:
a)
Không cư trú tại Việt Nam;
b) Mất
hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Đang
bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án,
quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Điều 37. Phương thức tuyển dụng công chức
1. Việc
tuyển dụng công chức được thực hiện thông qua thi tuyển, trừ trường hợp quy định
tại khoản 2 Điều này. Hình thức, nội dung thi tuyển công chức phải phù hợp với
ngành, nghề, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, trình độ và năng
lực đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.
2.
Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này cam kết tình
nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng
xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
3.
Chính phủ quy định cụ thể việc thi tuyển, xét tuyển công chức.
Điều
38. Nguyên tắc tuyển dụng công chức
1. Bảo
đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
2. Bảo đảm tính cạnh tranh.
3. Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ và vị trí việc làm.
4. Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có
công với nước, người dân tộc thiểu số.
Điều
39. Cơ quan thực hiện tuyển dụng công chức
1. Tòa
án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực
hiện tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị
thuộc quyền quản lý.
2. Văn
phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tuyển dụng công chức trong cơ
quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.
3. Bộ,
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công
chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
4. Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan,
tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
5. Cơ
quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng và phân
cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý.
Điều
40. Tập sự đối với công chức
Người
được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của
Chính phủ.
Điều
41. Tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên
Việc
tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân
dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức Tòa án nhân dân và
pháp luật về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Mục 3
CÁC QUY ĐỊNH
VỀ NGẠCH CÔNG CHỨC
Điều 42.
Ngạch công chức và việc bổ nhiệm vào ngạch công chức
1.
Ngạch công chức bao gồm:
a)
Chuyên viên cao cấp và tương đương;
b)
Chuyên viên chính và tương đương;
c)
Chuyên viên và tương đương;
d) Cán
sự và tương đương;
đ) Nhân
viên.
2. Việc
bổ nhiệm vào ngạch phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a)
Người được bổ nhiệm có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch;
b) Việc
bổ nhiệm vào ngạch phải đúng thẩm quyền và bảo đảm cơ cấu công chức của cơ quan,
tổ chức, đơn vị.
3. Việc
bổ nhiệm vào ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp
sau đây:
a)
Người được tuyển dụng đã hoàn thành chế độ tập sự;
b) Công
chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch;
c) Công
chức chuyển sang ngạch tương đương.
Điều
43. Chuyển ngạch công chức
1.
Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch của ngành chuyên môn này được bổ
nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp
vụ.
2. Công chức được chuyển ngạch phải có đủ
tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.
3. Công chức được giao nhiệm vụ không phù
hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển
ngạch cho phù hợp.
4.
Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi chuyển ngạch.
Điều
44. Nâng ngạch công chức
1. Việc
nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ
quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển.
2. Công
chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch
cao hơn thì được đăng ký dự thi nâng ngạch.
3. Kỳ
thi nâng ngạch được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch,
khách quan và đúng pháp luật.
Điều
45. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức
1. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về công chức đảm nhận vị trí việc làm tương ứng
với ngạch d�� thi thì công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được đăng ký dự
thi.
2. Công
chức đăng ký dự thi nâng ngạch phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực,
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngạch dự thi.
Điều
46. Tổ chức thi nâng ngạch công chức
1. Nội
dung và hình thức thi nâng ngạch công chức phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp
vụ của ngạch dự thi, bảo đảm lựa chọn công chức có năng lực, trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn của ngạch dự thi và đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ.
2. Bộ
Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch
công chức.
3.
Chính phủ quy định cụ thể về việc thi nâng ngạch công chức.
Mục 4
ĐÀO TẠO, BỒI
DƯỠNG CÔNG CHỨC
Điều 47.
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức
1. Nội
dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức phải căn
cứ vào tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn của ngạch
công chức và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
2. Hình
thức đào tạo, bồi dưỡng công chức bao gồm:
a) Bồi
dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức;
b) Đào
tạo, bồi dưỡng theo các chức danh lãnh đạo, quản lý.
3. Nội
dung, chương trình, thời gian đào tạo, bồi dưỡng công chức do Chính phủ quy
định.
Điều
48. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng công chức
1. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức có trách nhiệm xây dựng và công khai quy
hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao năng lực, trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
2. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tạo điều kiện để công
chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp
vụ của công chức.
3. Kinh
phí đào tạo, bồi dưỡng công chức do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác
theo quy định của pháp luật.
Điều
49. Trách nhiệm và quyền lợi của công chức trong đào tạo, bồi dưỡng
1. Công
chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo,
bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
2. Công
chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng nguyên lương và phụ cấp; thời gian
đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thâm niên công tác liên tục, được xét nâng
lương theo quy định của pháp luật.
3. Công
chức đạt kết quả xuất sắc trong khóa đào tạo, bồi dưỡng được biểu dương, khen
thưởng.
4. Công
chức đã được đào tạo, bồi dưỡng nếu tự ý bỏ việc, xin thôi việc phải đền bù chi
phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Mục 5
ĐIỀU ĐỘNG,
BỔ NHIỆM, LUÂN CHUYỂN, BIỆT PHÁI,
TỪ CHỨC, MIỄN NHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC
Điều
50. Điều động công chức
1. Việc
điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo
đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
2. Công
chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí
việc làm mới.
Điều
51. Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
1. Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh
đạo, quản lý phải căn cứ vào:
a) Nhu
cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Tiêu
chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Thẩm
quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện
theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
2. Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ
lãnh đạo, quản lý là 05 năm; khi hết thời hạn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm
quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
3. Công
chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ
lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang
đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.
Điều
52. Luân chuyển công chức
1. Căn
cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch
sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ
thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã
hội.
2.
Chính phủ quy định cụ thể việc luân chuyển công chức.
Điều
53. Biệt phái công chức
1.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái công chức đến làm việc
ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
2. Thời
hạn biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy
định.
3. Công
chức biệt phái phải chấp hành phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị
nơi được cử đến biệt phái.
4. Công
chức biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc
thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các
chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
5. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công
việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái.
6.
Không thực hiện biệt phái công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36
tháng tuổi.
Điều
54. Từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức
1. Công
chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp sau
đây:
a)
Không đủ sức khỏe;
b)
Không đủ năng lực, uy tín;
c) Theo
yêu cầu nhiệm vụ;
d) Vì
lý do khác.
2. Công
chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù
hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc.
3. Công
chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm
quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của mình.
4. Thẩm
quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc từ chức hoặc miễn nhiệm công
chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan
có thẩm quyền.
Mục 6
ĐÁNH GIÁ
CÔNG CHỨC
Điều 55.
Mục đích đánh giá công chức
Đánh
giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ
để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực
hiện chính sách đối với công chức.
Điều
56. Nội dung đánh giá công chức
1. Công
chức được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Chấp
hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Phẩm
chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
c) Năng
lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Tiến
độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
đ) Tinh
thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
e) Thái
độ phục vụ nhân dân.
2.
Ngoài những quy định tại khoản 1 Điều này, công chức lãnh đạo, quản lý còn được
đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Kết
quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;
b) Năng
lực lãnh đạo, quản lý;
c) Năng
lực tập hợp, đoàn kết công chức.
3. Việc
đánh giá công chức được thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều
động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái.
4.
Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đánh giá công chức.
Điều
57. Trách nhiệm đánh giá công chức
1.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm đánh
giá công chức thuộc quyền.
2. Việc
đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ
chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.
Điều
58. Phân loại đánh giá công chức
1. Căn
cứ vào kết quả đánh giá, công chức được phân loại đánh giá theo các mức như sau:
a) Hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ;
b) Hoàn
thành tốt nhiệm vụ;
c) Hoàn
thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;
d)
Không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Kết
quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức và thông báo đến
công chức được đánh giá.
3. Công
chức 02 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có
02 năm liên tiếp, trong đó 01 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng
lực và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm
quyền bố trí công tác khác.
Công
chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có
thẩm quyền giải quyết thôi việc.
Mục 7
THÔI VIỆC,
NGHỈ HƯU ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC
Điều
59. Thôi việc đối với công chức
1. Công
chức được hưởng chế độ thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Do
sắp xếp tổ chức;
b) Theo
nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;
c) Theo
quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật này.
2. Công
chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn
vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận
đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không
đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ
chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ
thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp
luật.
3.
Không giải quyết thôi việc đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ
luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
4.
Không giải quyết thôi việc đối với công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con
dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp xin thôi việc theo nguyện vọng.
Điều
60. Nghỉ hưu đối với công chức
1. Công
chức được nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật
lao động.
2.
Trước 06 tháng, tính đến ngày công chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản
lý công chức phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 tháng,
tính đến ngày công chức nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ra
quyết định nghỉ hưu.
CHƯƠNG V
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP
XÃ
Điều
61. Chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã
1. Cán
bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này bao gồm cán bộ cấp
xã và công chức cấp xã.
2. Cán
bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:
a) Bí
thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;
b) Chủ
tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
c) Chủ
tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;
d) Chủ
tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
đ) Bí
thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
e) Chủ
tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
g) Chủ
tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động
nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
h) Chủ
tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
3. Công
chức cấp xã có các chức danh sau đây:
a)
Trưởng Công an;
b) Chỉ
huy trưởng Quân sự;
c) Văn
phòng - thống kê;
d) Địa
chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa
chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
đ) Tài
chính - kế toán;
e) Tư
pháp - hộ tịch;
g) Văn
hóa - xã hội.
Công
chức cấp xã do cấp huyện quản lý.
4. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại
khoản 2 và khoản 3 Điều này bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều
động, biệt phái về cấp xã.
5. Căn
cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô, đặc điểm của địa phương, Chính phủ
quy định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 62. Nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức cấp xã
1. Thực
hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Luật này, quy định khác của pháp luật có
liên quan, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.
2. Cán
bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi
thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được
xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và
hưởng chế độ, chính sách liên tục; nếu không được chuyển thành công chức mà chưa
đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện
theo quy định của pháp luật; trường hợp là cán bộ, công chức được điều động,
luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác
phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.
Chính
phủ quy định cụ thể khoản này.
Điều
63. Bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã
1. Việc
bầu cử cán bộ cấp xã được thực hiện theo quy định của Luật tổ
chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng
nhân dân, điều lệ của tổ chức có liên quan, các quy định khác của pháp luật và
của cơ quan có thẩm quyền.
2. Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải
thông qua thi tuyển; đối với các xã miền núi, biên
giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định
của Chính phủ.
3. Việc
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phải căn cứ vào tiêu chuẩn của từng
chức vụ, chức danh, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch cán bộ, công chức.
Chế độ
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do cơ quan có thẩm quyền của Đảng
Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định.
Kinh
phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do ngân sách nhà nước cấp và các
nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Điều
64. Đánh giá, phân loại, xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, thôi việc,
nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã
Việc
đánh giá, phân loại, xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, thôi việc, nghỉ
hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện theo quy định tương ứng của
Luật này đối với cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật, điều lệ
có liên quan.
CHƯƠNG VI
QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG
CHỨC
Điều 65. Nội dung quản lý cán bộ, công chức
1. Nội dung quản lý cán bộ, công chức bao gồm:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm
pháp luật về cán bộ, công chức;
b) Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, công chức;
c) Quy định chức danh và cơ cấu cán bộ;
d) Quy định ngạch, chức danh, mã số công chức; mô
tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức để xác định số lượng biên chế;
đ) Các công tác khác liên quan đến quản lý cán bộ,
công chức quy định tại Luật này.
2. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam,
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể nội dung quản lý cán bộ,
công chức quy định tại Điều này.
Điều 66. Thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ,
công chức
1. Thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ
được thực hiện theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định biên
chế công chức của Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện
kiểm sát nhân dân.
3. Chủ tịch nước quyết định biên chế công chức của
Văn phòng Chủ tịch nước.
4. Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ,
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập
của Nhà nước.
5. Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được
Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong
cơ quan của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Uỷ
ban nhân dân các cấp.
6. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định biên chế công
chức trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ
chức chính trị - xã hội.
Điều 67. Thực hiện quản lý cán bộ, công chức
1. Việc quản lý cán bộ, công chức được thực
hiện theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật có liên quan,
điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về
công chức.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện
quản lý nhà nước về công chức.
Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công
chức theo phân công, phân cấp của Chính phủ.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân cấp
của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý công chức theo
phân cấp của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chính phủ.
Điều 68. Chế độ báo cáo về công tác quản lý cán
bộ, công chức
1. Hàng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức.
2. Việc chuẩn bị báo cáo của Chính phủ về công tác
quản lý cán bộ, công chức được quy định như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc quyền
quản lý;
b) Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước báo cáo
về công tác quản lý cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý;
c) Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam,
tổ chức chính trị - xã hội báo cáo về công tác quản lý công chức thuộc quyền
quản lý.
Các báo cáo quy định tại các điểm a, b và c khoản
này được gửi đến Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 hàng năm để tổng hợp, chuẩn bị
báo cáo trình Quốc hội.
3. Việc chuẩn bị báo cáo công tác quản lý cán bộ
trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện
theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
4. Nội dung báo cáo công tác quản lý cán bộ, công
chức thực hiện theo quy định tại Điều 65 của Luật này.
Điều
69. Quản lý hồ sơ cán bộ, công chức
1. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ cán bộ, công
chức thuộc quyền quản lý. Hồ sơ cán bộ, công chức phải có đầy đủ tài liệu theo
quy định, bảo đảm chính xác diễn biến, quá trình công tác của cán bộ, công chức.
2. Cơ
quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ
cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý.
3. Bộ
Nội vụ hướng dẫn việc lập, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, trừ trường hợp quy
định tại khoản 2 Điều này.
CHƯƠNG VII
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM
THI HÀNH CÔNG VỤ
Điều 70. Công sở
1. Công
sở là trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức
chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, có tên gọi riêng, có địa chỉ cụ
thể, bao gồm công trình xây dựng, các tài sản khác thuộc khuôn viên trụ sở làm
việc.
2. Nhà nước đầu tư xây dựng công sở cho cơ quan của
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
3. Quy mô, vị trí xây dựng, tiêu chí thiết kế
công sở do cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tổ
chức bộ máy của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt và tiêu chuẩn, định mức sử dụng.
Điều 71. Nhà ở công vụ
1. Nhà ở công vụ do Nhà nước đầu tư xây dựng
để cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thuê trong thời gian
đảm nhiệm công tác. Khi hết thời hạn điều động, luân chuyển, biệt phái, cán bộ,
công chức trả lại nhà ở công vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà ở công
vụ.
2.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà ở công vụ phải bảo đảm việc
quản lý, sử dụng nhà ở công vụ đúng mục đích, đối tượng.
Điều 72. Trang thiết bị làm việc trong công sở
1. Nhà nước bảo đảm trang thiết bị làm việc trong
công sở để phục vụ việc thi hành công vụ; chú trọng đầu tư, ứng dụng công nghệ
thông tin nhằm nâng cao hiệu quả thi hành công vụ.
2. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan, tổ chức,
đơn vị thực hiện việc mua sắm trang thiết bị làm việc theo tiêu chuẩn, định mức,
chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có
trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý trang thiết bị làm việc trong công sở, bảo
đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Điều 73. Phương tiện đi lại để thi hành công vụ
Nhà nước bố trí
phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức để thi hành công vụ theo quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; trường hợp không bố trí được thì
cán bộ, công chức được thanh toán chi phí đi lại theo quy định của Chính phủ.
CHƯƠNG VIII
THANH TRA CÔNG VỤ
Điều 74. Phạm vi thanh tra công vụ
1. Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của
cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.
2. Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm,
đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá,
thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao
tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động
công vụ.
Điều 75. Thực hiện thanh tra công vụ
1.
Thanh tra bộ, Thanh tra sở, Thanh tra tỉnh, Thanh tra
huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thanh tra việc thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức.
2. Thanh tra Bộ Nội vụ, Thanh tra Sở Nội vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành trong phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật này.
3. Chính phủ quy định cụ thể hoạt động thanh tra
công vụ.
CHƯƠNG IX
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ
VI PHẠM
Điều
76. Khen thưởng cán bộ, công chức
1. Cán
bộ, công chức có thành tích trong công vụ thì được khen thưởng theo quy định của
pháp luật về thi đua khen thưởng.
2. Cán
bộ, công chức được khen thưởng do có thành tích xuất sắc hoặc công trạng thì
được nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên khi xem xét bổ nhiệm chức vụ cao
hơn nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu.
Chính
phủ quy định cụ thể khoản này.
Điều
77. Miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong
các trường hợp sau đây:
1. Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp
trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành;
2. Do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ
1.
Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình
thức kỷ luật sau đây:
a)
Khiển trách;
b) Cảnh
cáo;
c) Cách
chức;
d) Bãi
nhiệm.
2. Việc
cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
3. Cán
bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì
đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa
án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
4. Việc
áp dụng các hình thức kỷ luật, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán
bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật, điều lệ của Đảng Cộng sản Việt
Nam, tổ chức chính trị - xã hội và văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Điều
79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức
1.
Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật
có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những
hình thức kỷ luật sau đây:
a)
Khiển trách;
b) Cảnh
cáo;
c) Hạ
bậc lương;
d)
Giáng chức;
đ) Cách
chức;
e) Buộc
thôi việc.
2. Việc
giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản
lý.
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà
không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án,
quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án
kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ
chức vụ do bổ nhiệm.
4.
Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm
quyền xử lý kỷ luật đối với công chức.
Điều
80. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời
hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì
cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Thời
hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
2. Thời
hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện
hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ
luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời
hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức
tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử
lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.
3.
Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử
theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc
đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xử lý kỷ
luật; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình
chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan,
tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
Điều 81.
Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức
1. Cơ
quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình
chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để
cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử
lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có
thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm
giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm
giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình
chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố
trí làm việc ở vị trí cũ.
2.
Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ
cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo
quy định của Chính phủ.
Điều
82. Các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật
1. Cán
bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài
06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách
chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật
có hiệu lực.
2. Cán
bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc
nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày
quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi
phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch,
đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Cán
bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy
tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt
phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
4. Cán
bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị
trí lãnh đạo, quản lý.
Điều
83. Quản lý hồ sơ khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức
Việc
khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức được lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức.
CHƯƠNG X
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
84. Áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác
1. Cơ
quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính
phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với những người được bầu cử nhưng
không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này; chế độ phụ cấp
đối với những người đã nghỉ hưu nhưng được bầu cử giữ chức vụ, chức danh cán bộ.
2. Cơ
quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định cụ thể việc áp
dụng Luật cán bộ, công chức đối với những người được Đảng, Nhà nước điều động,
phân công và những người được tuyển dụng, bổ nhiệm theo chỉ tiêu biên chế được
giao làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp.
3.
Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật cán bộ, công chức đối với Chủ tịch
Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám
đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh
đạo, quản lý khác trong các doanh nghiệp nhà nước; những người được Nhà nước cử
làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của
Nhà nước.
4.
Chính phủ quy định khung số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt
động không chuyên trách ở cấp xã.
Điều
85. Điều khoản chuyển tiếp đối với những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp
công lập
Các quy
định của pháp luật hiện hành liên quan đến những người làm việc trong đơn vị sự
nghiệp công lập mà không phải là cán bộ, công chức quy định tại Luật này được
tiếp tục thực hiện cho đến khi ban hành Luật viên chức.
Điều
86. Hiệu lực thi hành
1. Luật
này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.
2. Pháp
lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một
số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000; Pháp lệnh sửa
đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm
2003 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 87.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Ủy ban
thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác có thẩm quyền quy định chi
tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này; hướng dẫn
những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
_____________________________________________________________
Luật
này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp
thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
|
CHỦ TỊCH QUỐC
HỘI
(đã ký)
Nguyễn Phú
Trọng
|