THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
________
Số: 2123/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
_____________________________________
Hà Nội, ngày 22 tháng
11 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục
đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 –
2015
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14
tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP
ngày 28 tháng 5 năm 2009 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số
nhiệm vụ giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ X;
Căn cứ Nghị quyết số
35/2009/NQ-QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội về chủ trương, định hướng
đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 – 2011
đến năm học 2014 – 2015 và Chương trình Công tác của Chính phủ năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn
2010 - 2015 với những nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
- Nhà nước quan tâm phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít
người, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng có đồng
bào dân tộc rất ít người.
- Nhà nước ưu
tiên đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục có học
sinh dân tộc rất ít người; có chế độ, chính sách đặc thù cho trẻ em, học sinh,
sinh viên dân tộc rất ít người; tạo cơ hội cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân
tộc rất ít người được học tập; đảm bảo thực hiện công bằng trong giáo dục.
- Nâng cao năng
lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với
đối tượng học sinh dân tộc rất ít người; nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng
bào dân tộc rất ít người.
II. MỤC TIÊU
CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
chung
Tạo điều kiện
phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh
viên các dân tộc rất ít người, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các dân
tộc rất ít người.
Trẻ em, học
sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được học tập, rèn luyện trong môi
trường giáo dục tốt, được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để có trình
độ văn hóa, trình độ nghề, bổ sung vào đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ địa phương
và đất nước.
2. Mục tiêu cụ
thể
a) Giai đoạn
2010 – 2012:
- Hoàn thiện cơ
sở vật chất trường, lớp tại các thôn bản có học sinh dân tộc rất ít người. Xây
mới đủ số phòng học, cấp đủ thiết bị, đồ dùng dạy học cho các điểm trường tiểu
học có học sinh dân tộc rất ít người.
- Xây dựng và
triển khai chính sách hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít
người.
- Biên soạn các
tài liệu đặc thù bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và tổ chức các
lớp bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc
rất ít người.
b) Giai đoạn
2013 – 2015:
- Hoàn thiện cơ
chế, chính sách đặc thù cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít
người. Bảo đảm:
+ 95% trẻ mẫu
giáo 3-5 tuổi dân tộc rất ít người được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo
dục mầm non mới tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản công lập;
+ 100% học sinh dân tộc rất ít người cấp tiểu học được học tại các điểm
trường ở thôn bản và ở các trường phổ thông dân tộc bán trú;
+ 100% học sinh dân tộc rất ít người hoàn thành chương trình tiểu học
được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện hoặc trường phổ
thông dân tộc bán trú;
+ 100% học sinh dân tộc rất ít người tốt nghiệp trung học cơ sở ở các
trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú được
vào học tại trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh hoặc trường phổ thông dân tộc
nội trú huyện liên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hoặc vào học tại
các trường trung cấp chuyên nghiệp;
+ 95% học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp trung học phổ
thông được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển đặc biệt vào các trường, khoa dự bị đại
học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề;
+ 100% trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người thuộc hộ
nghèo được hưởng chế độ, chính sách đặc thù về hỗ trợ học tập.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các
cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người. Bảo đảm 100% giáo viên, cán bộ
quản lý giáo dục các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người được bồi
dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG
- Các cơ sở giáo dục có trẻ em, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít
người: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao trong phạm vi
6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum;
- Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người: Ơ
Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao ở 6 tỉnh trên.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Hoạt động 1: Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về sự
cần thiết phải phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người
a) Nội dung chủ yếu:
- Đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến Đề án trong các cấp ủy đảng,
chính quyền, cộng đồng, các bậc phụ huynh học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục và học sinh làm cho mọi người nhận thức được ý nghĩa của việc phát
triển giáo dục đối với việc bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc rất ít
người.
- Vận động các gia đình dân tộc rất ít người tạo điều kiện cho con em
đến trường, lớp mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
- Huy động các nguồn lực của cộng đồng phát triển giáo dục đối với các
dân tộc rất ít người.
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền
hình trung ương và địa phương để tuyên truyền phổ biến đến cộng đồng về phát
triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người.
- Biên soạn tài liệu tuyên truyền, thiết kế và triển khai các chương
trình phát thanh, truyền hình, tổ chức Hội thảo ở trung ương và địa phương.
b) Kinh phí dự kiến: 6.940 triệu đồng.
2. Hoạt động 2: Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu
học tại thôn bản có học sinh dân tộc rất ít người.
a) Nội dung chủ yếu:
- Xây dựng cơ sở vật chất còn thiếu cho các cơ sở giáo dục có học sinh
dân tộc rất ít người chưa được chương trình, dự án nào đầu tư hoặc đầu tư nhưng
chưa đủ. Cụ thể, sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học
có học sinh dân tộc rất ít người tại 6 tỉnh thuộc phạm vi Đề án. Đảm bảo đủ số
phòng học, nhà công vụ, đầu tư thiết bị, đồ dùng dạy học tại các điểm trường
tiểu học ở các thôn bản có học sinh các dân tộc rất ít người.
+ Xây dựng mới 110 phòng học, 110 nhà công vụ;
+ Mua sắm 220 bộ thiết bị.
b) Kinh phí dự kiến: 117.315 triệu đồng
3. Hoạt động 3: Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục ở các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc rất ít người.
a) Nội dung chủ yếu:
- Biên soạn tài liệu đặc thù hỗ trợ giáo viên và học sinh các dân tộc
rất ít người, giúp giáo viên triển khai tốt nội dung chương trình dạy học:
+ 9 tài liệu về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc rất
ít người; học liệu về bồi dưỡng tiếng dân tộc (9 băng/đĩa ghi âm về nội dung học
truyền khẩu về 9 tiếng của 9 dân tộc rất ít người để tăng cường khả năng giao
tiếp giữa các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với học sinh dân tộc rất ít
người);
+ Tài liệu, học liệu giáo dục kỹ năng sống cho phụ huynh học sinh, học
sinh dân tộc rất ít người và cộng đồng địa phương nơi có các dân tộc rất ít
người đang sinh sống (phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, nghiện rượu …);
+ Tài liệu hỗ trợ giáo viên dạy mẫu giáo cho 9 dân tộc rất ít người về
thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới và chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ; tài
liệu hướng dẫn phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc rất ít
người ở các cấp học mầm non (mẫu giáo), tiểu học, trung học cơ sở và trung học
phổ thông; tài liệu hỗ trợ học sinh dân tộc rất ít người tăng cường khả năng sử
dụng tiếng Việt; tài liệu về chế tạo và sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm, đơn
giản, rẻ tiền cho học sinh dân tộc rất ít người ở các cấp học mầm non, tiểu học,
trung học cơ sở, trung học phổ thông; tài liệu về ứng dụng công nghệ thông tin
trong đổi mới phương pháp dạy học và quản lý nhà trường có học sinh các dân tộc
rất ít người.
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý
giáo dục ở các cơ sở giáo dục có học sinh các dân tộc rất ít người.
+ Tập huấn cho giáo viên dạy học sinh các dân tộc rất ít người về: tâm
lý học sinh, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của các dân tộc rất ít người;
phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh các dân tộc rất ít người;
giáo dục kỹ năng sống (giáo dục phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, nghiện
rượu, …); làm đồ dùng dạy học đơn giản cho học sinh dân tộc rất ít người; ứng
dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học;
+ Tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy học sinh các dân tộc
rất ít người;
+ Tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở giáo dục có học sinh
dân tộc rất ít người về tâm lý học sinh, phong tục, tập quán, bản sắc văn
hóa,... của các dân tộc rất ít người; phương pháp dạy học; ứng dụng công nghệ
thông tin trong quản lý nhà trường có học sinh dân tộc rất ít người.
- Tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục học tập, nghiên cứu,
ngắn hạn ở nước ngoài
Tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở một số cơ sở giáo dục
nuôi dạy học sinh các dân tộc rất ít người được học tập kinh nghiệm về giáo dục
học sinh các dân tộc rất ít người ở một số nước trên thế giới.
b) Kinh phí dự kiến: 40.200 triệu đồng.
4. Hoạt động 4: Xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện chính sách hỗ
trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người
a) Nội dung chủ yếu
- Tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người
được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại các cơ sở giáo dục phù hợp:
+ Trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại các trường, lớp mẫu
giáo thôn bản;
+ Học sinh tiểu học được nuôi, dạy tại trường tiểu học. Tùy theo điều
kiện thực tế, học sinh có thể học tại các điểm trường hoặc tại các trường phổ
thông dân tộc bán trú ở nơi gần nhất;
+ Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được nuôi, dạy tại các
trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú và
trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh;
+ Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh dân tộc rất ít người
được ưu tiên xét tuyển vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, đại
học; được học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cơ sở dạy
nghề theo khả năng và nhu cầu của từng học sinh.
- Xây dựng và thực hiện chính sách cho trẻ em, học sinh, sinh viên dân
tộc rất ít người.
Xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp, bền vững cho trẻ em, học sinh
và sinh viên dân tộc rất ít người.
Trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người sống ở vùng kinh tế -
xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt về học tập:
+ Đối với trẻ em dân tộc rất ít người học mẫu giáo tại các trường, lớp
mầm non công lập:
Trẻ em dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học mẫu giáo tại các trường,
lớp mầm non công lập được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức lương tối thiểu
chung/trẻ/tháng.
+ Đối với học sinh các dân tộc rất ít người cấp tiểu học:
Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các điểm trường ở
thôn bản được hưởng mức hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung/HS/tháng;
Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông
dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu
chung/HS/tháng.
+ Đối với học sinh dân tộc rất ít người cấp trung học cơ sở:
Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông
dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu
chung/HS/tháng.
Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại trường phổ thông
dân tộc nội trú cấp huyện được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu
chung/HS/tháng.
+ Đối với học sinh dân tộc rất ít người cấp trung học phổ thông:
Học sinh dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các trường phổ
thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp
trung học cơ sở và trung học phổ thông được hưởng học bổng bằng 100% mức lương
tối thiểu chung/HS/tháng.
+ Đối với học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp trung học phổ
thông có thể tiếp tục học theo các hướng sau:
Học sinh dự kỳ thi tuyển sinh quốc gia vào các trường đại học, cao đẳng,
nếu không đủ điểm vào các trường đại học, cao đẳng theo nguyện vọng thì được xét
tuyển vào học tại các trường, khoa dự bị đại học (1 – 2 năm);
Học sinh không vào học tại các trường đại học, cao đẳng, dự bị đại học
được tuyển thẳng vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp chuyên nghiệp,
cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề).
+ Đối với học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người học tại các trường,
khoa dự bị đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề:
Học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo, học tại các
trường, khoa dự bị đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên
nghiệp và dạy nghề được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu
chung/SV/tháng;
Trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người thuộc hộ nghèo học
tại các cơ sở giáo dục nói trên được hưởng mức hỗ trợ là 12 tháng/năm.
b) Kinh phí dự kiến: 177.000 triệu đồng.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí
Tổng dự toán kinh phí Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất
ít người giai đoạn 2010 – 2015 là: 341.455 triệu đồng.
Trong đó:
a) Hoạt động 1: Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về sự
cần thiết phải phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người là: 6.940
triệu đồng.
b) Hoạt động 2: Đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu
học tại thôn bản có học sinh dân tộc rất ít người là 78.815 triệu đồng.
c) Hoạt động 3: Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý
giáo dục và giáo viên là 40.200 triệu đồng.
d) Hoạt động 4: Xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện chính sách hỗ
trợ trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người là 177.000 triệu đồng.
2. Cân đối nguồn kinh phí thực hiện Đề án
Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Đề án Phát triển giáo
dục đối với các dân tộc rất ít người: 341.455 triệu đồng.
Trong đó:
a) Ngân sách nhà nước: 339.051 triệu đồng, bao gồm:
- Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo là
107.069 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí xây dựng cơ bản tập trung tại địa phương là: 7.882
triệu đồng.
- Nguồn kinh phí chi thường xuyên là: 224.140 triệu đồng.
b) Nguồn huy động đóng góp xã hội hóa: 2.364 triệu đồng.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn,
xây dựng chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Đề án này để triển khai thực
hiện.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Đề án trong từng giai đoạn,
từng năm.
- Tổ chức hội nghị triển khai nội dung Đề án; tổ chức các hội thảo để
đánh giá, rà soát việc thực hiện Đề án.
- Chủ trì xây dựng các chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên
các dân tộc rất ít người.
- Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án theo
hàng năm, từng giai đoạn và kết thúc Đề án, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp các kế hoạch triển khai
hoạt động Đề án theo từng năm và từng giai đoạn để đưa vào kế hoạch trình Thủ
tướng Chính phủ theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ vốn đầu tư cho
các địa phương thực hiện Đề án theo từng năm.
c) Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, cơ quan liên
quan bố trí ngân sách đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án; kiểm tra, thanh tra tài
chính theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách.
d) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc hỗ trợ học sinh, sinh
viên các dân tộc rất ít người học nghề, tạo việc làm cho học sinh, sinh viên các
dân tộc rất ít người.
đ) Ủy ban Dân tộc
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành ở trung ương và các
địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển
giáo dục đối với các dân tộc rất ít người.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Đề án.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Điện
Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum
- Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương
xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh; kiểm
tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương; định kỳ báo cáo
Ban Chỉ đạo cấp trung ương.
- Chỉ đạo việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình
hình thực tế của các điểm trường tiểu học có học sinh dân tộc rất ít người.
- Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với trẻ
em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Uỷ ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b). TR |
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Thiện Nhân |