CHÍNH PHỦ _____
CHÍNH PHỦ
_____
Số: 114/2009/NĐ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________________________________
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2009
|
NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm
2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ
______________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật
Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về
phát triển và quản lý chợ như sau:
1. Bổ sung các khoản 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15,
16 vào Điều 2 như sau:
“6. Chợ chuyên doanh: là
chợ kinh doanh chuyên biệt một ngành hàng hoặc một số ngành hàng có đặc thù và
tính chất riêng.
7. Chợ tổng hợp: là chợ
kinh doanh nhiều ngành hàng.
8. Chợ dân sinh: là chợ
hạng 3 (do xã, phường quản lý) kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu
phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.
9. Chợ biên giới: là chợ
nằm trong khu vực biên giới trên đất liền (gồm xã, phường, thị trấn có một phần
địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền) hoặc khu vực
biên giới trên biển (tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành
chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo).
10. Chợ tạm: là chợ nằm
trong quy hoạch nhưng chưa được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố.
11. Chợ nông thôn: là chợ xã của các huyện và ở khu vực ngoại thành,
ngoại thị.
12. Chợ miền núi: là chợ
xã thuộc các huyện miền núi.
13. Chợ cửa khẩu: là chợ được lập ra trong khu vực
biên giới trên đất liền hoặc trên biển gắn các cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu
hàng hóa nhưng không thuộc khu kinh tế cửa khẩu.
14. Chợ trong khu kinh tế
cửa khẩu: là chợ lập ra trong khu kinh tế cửa khẩu theo các điều
kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số
29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công
nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
15. Doanh nghiệp
kinh doanh, quản lý chợ: là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký kinh doanh và
hoạt động theo quy định của pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng
thầu về kinh doanh, khai thác và quản lý chợ.
16. Hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ: là hợp tác xã
được thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của pháp luật được
cơ quan có thẩm quyền giao hoặc trúng thầu về kinh doanh, khai thác và quản lý
chợ.”
2. Điểm b khoản 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:
“b) Chợ hạng 2:
Là chợ có từ 200 điểm kinh
doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố
theo quy hoạch; được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ
chức họp thường xuyên hay không thường xuyên; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp
với quy mô hoạt động chợ và tổ chức các dịch vụ tối thiểu tại chợ: trông giữ xe,
bốc xếp hàng hóa, kho bảo quản hàng hóa, dịch vụ đo lường, vệ sinh công cộng.”
3. Khoản 1 Điều 4 được
sửa đổi như sau:
“1. Chợ là một bộ phận
quan trọng trong tổng thể hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển thương mại của từng
địa phương phải bao gồm quy hoạch phát triển chợ. Quy hoạch phát triển
chợ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy
hoạch thương mại, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên
quan. Quy hoạch phát triển chợ lập theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 4 Nghị định
số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và được cơ quan có thẩm
quyền theo quy định phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.”
4. Khoản 3, 4 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước bao gồm
vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn viện trợ không
hoàn lại. Trong đó, vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ
đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền
núi, hải đảo; vốn từ ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư một số chợ sau:
a) Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ (mức
hỗ trợ cụ thể theo quy mô của từng dự án):
- Chợ đầu mối chuyên doanh hoặc tổng hợp bán buôn hàng
nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng hoá ở các vùng sản xuất tập trung về nông
sản, lâm sản, thuỷ sản;
- Chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện
kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong Danh mục của Phụ lục II ban
hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
b) Hỗ trợ đầu tư
xây dựng chợ biên giới và chợ dân sinh xã của các huyện thuộc địa bàn có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong Danh mục của Phụ lục
II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006
của Chính phủ.
Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư chợ quy định tại khoản 3
Điều này được ưu tiên đầu tư xây dựng các chợ theo thứ tự sau:
- Chợ đang hoạt động, nằm trong quy hoạch đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt nhưng là chợ tạm hoặc chợ có cơ sở vật chất - kỹ thuật
xuống cấp nghiêm trọng;
- Chợ xây mới tại những xã chưa có chợ, những nơi có
nhu cầu về chợ để phục vụ sản xuất, xuất khẩu và đời sống sinh hoạt của nhân
dân.
4. Dự án đầu tư chợ
của các thành phần kinh tế được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư như đối với
các ngành nghề sản xuất, dịch vụ thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định
tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư theo Nghị định số
151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín
dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19
tháng 9 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ
sung một số Điều của Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006
của Chính phủ.”
5. Khoản 1 Điều 6 được sửa đổi như sau:
“1. Chủ đầu tư xây dựng chợ mới hoặc sửa chữa lớn, cải
tạo, nâng cấp chợ phải lập dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư
xây dựng; các quy định về tiêu chuẩn thiết kế các loại hình, cấp độ chợ và được
cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.”
6. Điểm a, điểm c
khoản 1 và khoản 2, khoản 3 Điều 7 được sửa đổi như sau:
“1.
Chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo khoản 3 Điều
5 Nghị định này được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao cho các chủ thể tổ
chức kinh doanh khai thác và quản lý hoạt động tại chợ theo quy định sau:
a) Đối với chợ xây dựng mới, giao hoặc tổ chức đấu
thầu để lựa chọn doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác quản lý chợ.
Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác và quản lý chợ hoạt động theo
quy định tại Điều 9 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ;
c) Đối với các chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng
sâu, vùng xa, hải đảo, giao cho các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đủ điều kiện
theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức kinh doanh, khai thác và
quản lý.
2. Đối với chợ do Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng có
vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành
phần kinh tế và tổ chức, cá nhân khác, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền căn cứ
mức độ, tỷ lệ góp vốn để lựa chọn chủ thể kinh doanh, khai thác và quản lý chợ
(ban quản lý chợ, doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc thành lập công ty cổ phần theo
quy định của pháp luật).
3. Chợ do các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh,
hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng do các tổ
chức, cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp đó tổ chức kinh doanh,
khai thác và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định
của pháp luật và theo các quy định về kinh doanh khai thác và quản lý chợ tại
Điều 9 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của
Chính phủ."
7. Bổ sung điểm g, h, i vào khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan:
g) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát
triển chợ trong từng thời kỳ và hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện;
h) Xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ trên phạm
vi toàn quốc;
i) Hướng dẫn và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng hoặc điều
chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ, ban hành các quy định cụ thể về phát
triển, quản lý và khai thác chợ phù hợp với điều kiện của địa phương.”
8. Khoản 2 Điều 14 được sửa đổi như sau:
“2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ
Công Thương và Bộ, ngành liên quan:
a) Xem xét, tổng hợp kế hoạch đầu tư xây dựng chợ hàng năm của các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bố trí vốn hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân
sách trung ương theo quy định của Nghị định này; trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt theo quy định hiện hành;
b) Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ từ
ngân sách nhà nước và chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các tổ chức, cá
nhân tham gia đầu tư xây dựng chợ theo quy định của Nghị định này.”
9. Khoản 3 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư và Bộ, ngành liên quan:
a) Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho ban quản lý chợ, doanh nghiệp
và hợp tác xã kinh doanh quản lý chợ;
b) Hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các ban quản
lý chợ (đối với các loại chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư) sang doanh
nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.”
10. Sửa đổi khoản 4 và bổ sung các khoản 5, 6, 7, 8, 9 vào Điều 14
như sau:
“4. Bộ Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn chế độ đối với cán bộ, nhân viên thuộc
ban quản lý chợ trong biên chế nhà nước khi chuyển sang doanh nghiệp hoặc hợp
tác xã kinh doanh quản lý chợ.
5. Bộ Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng hoặc sửa đổi, bổ
sung các quy định về tiêu chuẩn - thiết kế các loại hình và cấp độ chợ.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với
Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành
liên quan:
a) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quy
hoạch sử dụng đất, dành quỹ đất và sử dụng đất để đầu tư xây dựng chợ;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong
công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại chợ.
7. Bộ Y tế:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành
liên quan hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác bảo đảm vệ
sinh an toàn thực phẩm tại chợ.
8. Bộ Công an:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng
dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại
chợ.
9. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành
liên quan tuyên truyền, phổ biến trong khu vực kinh tế tập thể về pháp
luật, chính sách phát triển, quản lý chợ và mô hình hợp tác xã kinh
doanh, quản lý chợ hoạt động có hiệu quả.”
11. Bổ sung các điểm e, g, h, i vào khoản 1 Điều
15 như sau:
“e) Ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm
huy động, khai thác các nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của các chủ
thể sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn để phát triển mạng lưới chợ;
g) Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch đầu tư
xây dựng chợ hàng năm phù hợp với quy hoạch phát triển chợ cả nước
và của từng địa phương; chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để
đầu tư xây dựng chợ theo quy định của Nghị định này, đồng thời sử dụng đúng mục
đích, có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư chợ từ ngân sách trung ương;
h) Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch chuyển
đổi các ban quản lý chợ hạng 1 do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây
dựng sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ;
i) Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy
định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ; chỉ đạo thực
hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trên địa bàn
tỉnh.”
12. Bổ sung
điểm c, d vào khoản 2 và sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:
“c) Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch chuyển đổi
các ban quản lý chợ hạng 2, hạng 3 do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây
dựng sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ;
d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy
định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ; đồng thời tổ
chức thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ trên
địa bàn huyện.
3. Ủy ban nhân dân
cấp xã: có trách nhiệm quản lý và thực hiện các phương án chuyển
đổi ban quản lý hoặc tổ quản lý các chợ hạng 3 sang doanh nghiệp hoặc hợp tác
xã kinh doanh, quản lý chợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối
hợp với các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện quản lý các chợ hạng 1
và hạng 2 trên địa bàn.”
13. Sửa đổi từ ngữ:
- Cụm từ “Bộ Công Thương” thay cho
cụm từ “Bộ Thương mại”;
- Cụm
từ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” thay cho cụm từ “Ủy ban nhân dân tỉnh”;
- Cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp
huyện” thay cho cụm từ “Ủy ban nhân dân huyện”;
- Cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã”
thay cho cụm từ “Ủy ban nhân dân xã, phường”;
- Cụm từ “hạng chợ” thay cho cụm từ
“loại chợ”;
- Cụm từ “chợ hạng” thay cho cụm từ
“chợ loại ”.
Điều 2.
Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2010.
Điều 3. Trách nhiệm
thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi
nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống
tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP
trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và
các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch
nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy
ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc
hội;
- Tòa án nhân dân tối
cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính
Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã
hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt
Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam;
- Cơ quan Trung ương của các
đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng
TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
-
Lưu: Văn thư, KTTH (5b). XH
|
TM. CHÍNH
PHỦ
THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng |