BỘ TÀI CHÍNH
BỘ TÀI CHÍNH
___________
Số 51/2010/TT-BTC
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________________________
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2010 |
THÔNG TƯ
Về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số
59/2008/TT-BTC
ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng
dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu
từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
__________________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày
06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách
nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP
ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ tại Thông báo số 291/TB-VPCP ngày 18/9/2009 của Văn phòng Chính phủ về
việc điều chỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC
ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử
lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng
giả cho lực lượng chống buôn lậu (sau đây gọi là Thông tư số 59/2008/TT-BTC). Bộ
Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC như
sau:
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC như sau:
1. Sửa
đổi, bổ sung Khoản 1 Mục I như sau:
“1. Thông tư này áp dụng trong hoạt
động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của các lực lượng có chức
năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (sau đây gọi
chung là cơ quan, đơn vị chống buôn lậu), bao gồm: công an, bộ đội biên phòng,
cảnh sát biển, quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, kiểm lâm, thanh tra
chuyên ngành, thuế, hải quan và các lực
lượng chức năng khác (của Trung
ương và địa phương) được giao nhiệm vụ
kiểm tra, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định
của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ
xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự nhưng không thuộc lĩnh
vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của các cơ quan, đơn vị chống
buôn lậu quy định tại khoản này vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật hiện
hành”.
2. Sửa
đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Mục II như sau:
“b) Chi phí mua tin (nếu có): Mức chi
mua tin của mỗi vụ việc tối đa là mười phần trăm (10%) số thu từ xử lý vi phạm
hành chính, vi phạm pháp luật hình sự của vụ việc đó; đối với những vụ việc mà
tài sản tịch thu là hàng giả, hàng hoá phải tiêu huỷ hoặc có giá trị thấp thì
không khống chế chi phí mua tin theo tỷ lệ trên số thu. Mức chi mua tin tối đa
không được quá năm mươi triệu đồng (50.000.000đồng).
Việc thanh toán chi phí mua tin phải
có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người
cung cấp tin, việc thanh toán khoản chi mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ
chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và
thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp
điều tra, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự phải chịu trách
nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo
chi đúng người, đúng việc và hiệu quả”.
3. Sửa
đổi, bổ sung Khoản 2 Mục II như sau:
“2. Sau khi trừ chi phí nêu tại khoản
1 Mục này, cơ quan, đơn vị chống buôn lậu chủ trì xử lý vụ buôn lậu, gian lận
thương mại, hàng giả được trích sử dụng số tiền đã thu, nộp còn lại để đầu tư cơ
sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động và khen thưởng cho
những tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả. Cụ thể như sau:
- Đối với vụ hàng giả được sử dụng
100% tổng số tiền đã thu, nộp.
- Đối với vụ buôn lậu, gian lận thương
mại được sử dụng 50% tổng số tiền đã thu, nộp.
Số kinh phí này được coi là 100% và sử
dụng như sau:
a) Dành từ 30% đến 50% để chi cho các
nội dung:
- Chi khen thưởng đột xuất hoặc cuối
năm cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian
lận thương mại, hàng giả. Mức tiền thưởng đối với cá nhân do Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị chống buôn lậu quyết định trên cơ sở nguồn kinh phí được sử dụng cho nội
dung này.
- Chi bồi dưỡng trong thời gian điều
trị cho các cán bộ, chiến sỹ của cơ quan, đơn vị chống buôn lậu bị tai nạn, bị
thương hoặc bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí cho các
trường hợp không có chế độ bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế chi trả một phần.
- Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ, bồi dưỡng
công tác kiêm nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác chống buôn lậu, gian
lận thương mại và hàng giả. Ngoài mức chi theo quy định của nhà nước đã được
tính trong chi phí vụ việc, mức chi cụ thể thực hiện theo quy định chung của địa
phương do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi nộp tiền vào ngân sách quy định.
Đối với vụ việc mà số thu không lớn nhưng có
nhiều lực lượng tham gia xử lý thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì chống buôn
lậu được sử dụng thêm tối đa không quá 10% tổng số kinh phí được sử dụng (10%
này lấy từ số kinh phí sử dụng cho nội dung chi tại điểm b dưới đây) để bổ sung
chi bồi dưỡng, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích theo quy định tại
điểm này. Trường hợp một vụ
việc có nhiều lực lượng cùng tham gia, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì chống
buôn lậu có trách nhiệm căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham
gia của từng cơ quan, đơn vị để xem xét, chi bồi dưỡng, khen thưởng cho các cơ
quan, đơn vị tham gia, phối hợp đảm bảo công khai, dân chủ.
- Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền giáo
dục pháp luật về phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng
giả.
- Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ,
chiến sỹ làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chi hội nghị, hội thảo, khảo sát chuyên đề
chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chi hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều
hành của cơ quan cấp trên. Các Bộ quản lý lực lượng tham gia chống buôn lậu,
gian lận thương mại, hàng giả hướng dẫn cụ thể về mức chi (nhưng tối đa không
quá 10% số kinh phí được sử dụng cho các nội dung quy định tại điểm này) và việc
quản lý, sử dụng đối với nội dung chi này.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì chống buôn lậu
căn cứ vào tình hình thực tế của công tác chống buôn lậu trên địa bàn
để xác định cụ thể tỷ lệ kinh phí sử
dụng cho các nội dung quy định tại điểm này.
b) Số còn lại sau khi được trích để
chi cho các nội dung quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này được sử dụng chi đầu
tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động phục vụ cho
công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Việc chi đầu tư cơ sở vật chất, mua
sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động phải thực hiện theo đúng chế độ, tiêu
chuẩn, định mức hiện hành. Trường hợp nội dung chi chưa có tiêu chuẩn, chế độ,
định mức thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu chủ động quyết định và
chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Số tiền trích cho cơ quan, đơn vị chủ
trì xử lý vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không phản ánh vào ngân
sách nhà nước.
Số kinh phí được bổ sung cuối năm không sử dụng hết được chuyển
sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nội dung theo quy định tại Thông tư
này”.
Điều 2.
Điều khoản thi hành
Thông tư
này có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu phát
sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để
nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Ban chỉ đạo
127/TW;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc CP;
- Toà án nhân dân tối cao,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- HĐND,UBND các tỉnh, tp trực
thuộc TW;
- Sở Tài chính, Kho bạc nhà
nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng BCĐ trung ương về
phòng, chống tham nhũng;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài
chính;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư
pháp);
- Công báo; Website của Chính
phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC. |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Đỗ Hoàng Anh Tuấn |